Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

ĐÚNG TINH THẦN LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU: THẬT CẢM ĐỘNG VÀ BIẾT ƠN TẤM LÒNG CỦA BÀ

“Vào ngành y từ năm 1973, ở tuổi 72 không còn sức khỏe để đăng ký vào tuyến đầu chống dịch. Vì vậy tôi tình nguyện cùng đồng nghiệp giúp đỡ cộng đồng tại điểm tiêm chủng vắc xin Covid-19”, bà Nhung nói.


Sau ca làm việc buổi sáng, tranh thủ thời gian nghỉ ít ỏi, bác sĩ Phùng Thị Nhung, nguyên Trưởng khoa gây mê hồi sức, BV Răng Hàm Mặt Trung ương, ăn vội suất cơm trưa. Chiều nay, 1h bà và các đồng nghiệp tiếp tục bắt tay vào công việc.

Từ tháng 6 đến nay, bác sĩ Nhung tình nguyện phụ trách chính tại điểm tiêm chủng Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, một trong các điểm tiêm chủng của quận Đống Đa, Hà Nội. Ngoài điểm tiêm tại bệnh viện này, bà cũng hỗ trợ công tác tiêm chủng tại phường Láng Thượng, Láng Hạ, Ô Chợ Dừa… (quận Đống Đa) nhiều tháng qua.

“Mỗi ngày, điểm tiêm của chúng tôi tiêm cho khoảng 800 người. Công việc bắt đầu từ 7h30 sáng, có hôm đến 7, 8h đêm mới kết thúc. Nhưng có những ngày, 11h đêm tôi vẫn phải kiểm tra lại công việc tiêm của ngày mai. Ở tuổi 72, với khối lượng công việc như vậy, nói không mệt là không đúng”, bác sĩ Nhung chia sẻ.

Ngoài tiêm, nữ bác sĩ còn phụ trách công tác điều động, cấp cứu sau tiêm cho người dân. Công việc quá bận, bệnh viện triển khai mô hình “4 tại chỗ” nên bà ở lại bệnh viện để thuận tiện cho công tác.

Ngày 2/9 vừa qua, có được một ngày nghỉ, bà về nhà để nghỉ ngơi. Nhưng đến chiều hôm sau, bệnh viện báo có đợt tiêm chủng mới, nữ bác sĩ lại rời nhà.

Các con đều đã lập gia đình, bác sĩ Nhung có thời gian dành hết cho việc chuyên môn. Con gái thứ 2 của bà cũng là một bác sĩ. Thỉnh thoảng, chị đến tham gia hỗ trợ tiêm chủng cùng mẹ và đồng nghiệp.

“Các con rất lo cho sức khỏe của mẹ, thỉnh thoảng lại mang đồ ăn đến điểm tiêm bồi dưỡng khi nhiều ngày mẹ chưa về nhà. Là một bác sĩ, khi dịch bệnh căng thẳng, tôi không thể đứng ngoài cuộc chiến này”, bà Nhung nói.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: