Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

HÀ NỘI ĐÃ LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN TRONG VIỆC CẤP GIẤY ĐI ĐƯỜNG MỚI

Hôm nay, Công an thành phố Hà Nội đã chính thức có Văn bản thông báo về quy trình xét duyệt, cấp Giấy đi đường, Thẻ đi mua hàng thiết yếu tại Vùng 1 phục vụ công tác phòng chống dịch Covdi-19. Điều này cho thấy các cơ quan chức năng của Hà Nội đã rất tích cực lắng nghe ý kiến của người dân, nhất là những người ở Vùng 1 để có sự cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, dạo qua các diễn đàn từ sau khi Công an Hà Nội ra Thông báo mới, vẫn còn rất nhiều người thắc mắc về việc cấp giấy đi đường và lưu thông, di chuyển ở các vùng. Nhiều người ở Vùng 2, Vùng 3 vẫn thắc mắc về giấy đi đường cho thấy họ chưa thực sự hiểu về các quy định phòng chống dịch đã áp dụng hơn 1 năm nay; thậm chí có người chưa tìm hiểu kỹ các quy định, cứ thấy công bố các bước, quy trình là auto comment theo kiểu chê bai thủ tục, quy trình.


Trước hết, cần hiểu rõ và phân biệt sự khác nhau giữa Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. GIẤY ĐI ĐƯỜNG chỉ dùng cho VÙNG 1 - nơi đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nơi đang có dịch diễn biến phức tạp mà chính quyền cần kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông và giãn cách xã hội để giữ khoảng cách, hạn chế người đi lại nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Các vùng được thực hiện theo Chỉ thị 15 từ sáng 06/9 thì không cần Giấy đi đường, trừ trường hợp làm việc, cung cấp dịch vụ thiết yếu tại Vùng 1; những hoạt động được phép và không được phép tại các vùng này được thực hiện theo quy định tại Chỉ thị 15. Do đó, người dân ở các vùng này cần bình tĩnh, nghiên cứu, nắm vững Chỉ thị 15 để thực hiện cho đúng và tránh những bức xúc không cần thiết.

Công bố như nêu trên cũng là lời khẳng định Hà Nội sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ra đường ở Vùng 1, Giấy đi đường sẽ chỉ được cấp cho các trường hợp thực sự cần thiết; không để xảy ra tình trạng Giấy đi đường cấp tràn lan, cấp cho cả trẻ em mấy tháng tuổi hay tình trạng tìm mọi cách để có được giấy đi đường nhằm thỏa mãn nhu cầu “được ra đường” như thời gian qua. Hà Nội cũng đã thiết lập các trạm kiểm soát liên ngành tại các tuyến đường huyết mạch; rào chắn các tuyến đường ngang, ngõ tắt, cho thấy Hà Nội quyết tâm làm đúng, làm chặt trong thời gian này. Làm thật chặt để sớm kiểm soát dịch bệnh ở Vùng 1; bảo vệ thành quả chống dịch qua hơn 1 tháng giãn cách xã hội; cũng là để người dân ở Vùng 2, vùng 3 được an toàn và từng bước trở lại cuộc sống bình thường.

Hơn 1 tháng giãn cách nên chắc chắn ai cũng bí bách, ai cũng đều có lý do để ra đường cả. Nhưng không thể vì thế mà buông lỏng ở những vùng mà dịch bệnh còn đang phức tạp như Vùng 1. Kiểm soát chặt việc ra đường ở khu vực này là chìa khóa để Hà Nội không xảy ra tình trạng như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Lúc đó sẽ không chỉ là giãn cách xã hội kéo dài vài tháng, mà còn dẫn tới quá tải về sức khỏe, tinh thần, kinh tế cho cả lực lượng chống dịch và người dân, doanh nghiệp.

Qua biểu đồ diễn biến tình hình dịch tại cộng đồng đợt 4 cho thấy số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm mạnh; số ca mắc bệnh mới đa phần trong khu cách ly và khu vực đã phong tỏa, số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng đang ít dần. Đây là kết quả minh chứng cho hiệu quả của các biện pháp chống dịch tại Hà Nội. Thế nên, trước khi bạn bức xúc vì phải ở nhà và xả nó trên các diễn đàn hay các phát ngôn chê trách, hãy nghĩ đến công sức của biết bao người đang ngày đêm chốt chặn, kiểm soát ở các khu vực. Họ cũng mệt mỏi, cũng sợ nhiễm bệnh lắm chứ. Mong mọi người chúng ta đoàn kết, tìm hiểu và thực hiện đúng quy định về biện pháp chống dịch đang áp dụng tại khu vực cư trú; đồng lòng để chúng ta sớm đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường như trước.

<Thanh Huyền>
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: