Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

KIỂM SOÁT GIẤY ĐI ĐƯỜNG: KHÓ NHƯNG CẦN LÀM NGAY, LÀM GẤP, LÀM NGHIÊM TÚC VÀ TRIỆT ĐỂ!

Nga Mi

Hà Nội đã trải qua hơn 01 tháng giãn cách xã hội nhưng hiệu quả chưa đạt yêu cầu khi số lượng người tham gia giao thông vẫn đông. Giãn cách xã hội sẽ không đạt được yêu cầu khi số lượng người di chuyển không kiểm soát được. Hiện nay, tình trạng cấp giấy đi đường không đúng mục đích, đối tượng vẫn diễn ra. Nhiều đơn vị, cơ quan vì lợi ích của cá nhân, tổ chức đã cố tình “lách luật” cấp giấy đi đường không đúng đối tượng. Thậm chí, một số đối tượng có lý lịch bất hảo vẫn được cấp giấy đi đường (!). Các Tổ kiểm soát dịch bệnh không đủ thời gian, nhân lực để kiểm tra kỹ các giấy đi đường phát hiện sai phạm. Giãn cách xã hội là đã hy sinh lợi ích kinh tế để chống dịch nhưng không thể kéo dài. Chính vì vậy, bài toán kiểm soát giấy đi đường là vấn đề khó nhưng cần nhanh chóng thực hiện nghiêm chỉnh và triệt để.


Trước hết, cần ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát giấy đi đường. Tất cả các loại giấy đi đường đều phải có mã QR code chứa các thông tin cần thiết về cơ quan, nội dung công việc, điểm đi/điểm đến, con người được cấp phép. Mẫu giấy đi đường hiện nay chưa có mã QR code nên việc kiểm tra tức thì sẽ gặp khó khăn. Thậm chí, khi phát hiện dấu hiện nghi ngờ thì Tổ công tác sẽ ghi nhận nhanh chóng chụp lại để phục vụ công tác truy vết hoặc xử lý khi cấp giấy đi đường không đúng đối tượng, đúng mục đích. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý xã hội là yêu cầu khách quan của xã hội và cần nhanh chóng áp dụng từ những việc như cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Thứ hai, kiểm soát hoặc giao quyền hạn chế cho các cơ quan, đơn vị được cấp giấy đi đường. Bài học trong kiểm soát người đi đường ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Khi giao quyền hướng dẫn và mẫu giấy đi đường cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hạn chế tình trạng cấp giấy đi đường tràn lan. Vì vậy, Thành phố Hà Nội có thể nhanh chóng xem xét cải tiến giấy đi đường hiện có, giao thẩm quyền cấp giấy đi đường theo từng loại đối tượng cụ thể, lĩnh vực cụ thể và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các Tổ công tác. Kiểm soát giấy đi đường không phải cứng nhắc là có “giấy đi đường” mà còn căn cứ vào các tình huống cụ thể, sự việc cụ thể để giải quyết hợp lý, không gây căng thẳng giữa các Tổ công tác và công dân, tránh dẫn đến các hiện tượng xung đột, chống người thi hành công vụ.

Thứ ba, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tình trạng vi phạm quy định về giãn cách xã hội, chống người thi hành công vụ vẫn phổ biến ở nhiều nơi. Ý thức phòng, chống dịch bệnh là quan trọng nhưng không thể trông chờ vào ý thức tự nguyện mà cần có các biện pháp hành chính để nâng cao ý thức phòng, chống dịch một cách quyết liệt. Khi phát hiện cá nhân vi phạm quy định về sử dụng giấy đi đường không đúng thì cần nghiêm khắc xử phạt đối với các tổ chức, cơ quan vi phạm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng là để răn đe cá nhân, tổ chức, cơ quan khác vừa tạo ý thức thượng tôn pháp luật.

Thành phố Hà Nội sẽ hết đợt giãn cách xã hội vào ngày 6/9 tới. Tuy nhiên, với tình trạng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì chưa đủ cơ sở để xóa bỏ giãn cách xã hội. Chỉ có thể tiếp tục giãn cách xã hội hoặc nới lỏng một số khu vực nhất định. Do đó, cần nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến các quy định của giấy đi đường để chủ động thực hiện nghiêm túc, triệt để, nhanh chóng, thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch. Ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát giấy đi đường là điều kiện tiên quyết, quan trọng để đạt được hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để rút kinh nghiệm, triển khai các biện pháp quản lý xã hội hiện đại trong tương lai gần.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: