Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

ĐỂ CÓ MỘT BẢN ÁN ĐÚNG NGƯỜI ĐÚNG TỘI

Đúng 17 giờ, ngày 10/11/2021, Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên án Lê Quang Huy Phương 5 năm 2 tháng tù với các tội danh “cố ý gây thương tích” và “giữ người trái pháp luật”. Bản án được dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ đã khép lại một vụ án từng gây xôn xao trong thời gian dài không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn trên cả nước.


Cần khẳng định rõ: đây là một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kẻ phạm tội phải bị xử lý và quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại đã được bảo vệ.

Đó cũng là những nỗ lực hết mình để bảo vệ công lý, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Huế, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân 02 cấp Thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế (trong đó có vai trò rất quan trọng của ông Nguyễn Văn Bường - nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế - nay là Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng) trong suốt 02 năm trước những sức ép, tác động không hề nhỏ của phía gia đình bị cáo để tìm cách “chạy tội” cho Lê Quang Huy Phương .

Trong vụ án Lê Quang Huy Phương – một đối tượng với hành vi và thái độ hết sức côn đồ, ngoan cố, coi thường đạo lý, hậu thuẫn cho Phương là gia đình lắm tiền nhiều của đã dùng mọi cách để chạy tội với một đội ngũ 11 vị luật sư tham gia bào chữa cho thân chủ, với những thủ đoạn tranh tụng hết sức ngang ngược, kết hợp với truyền thông bẩn trên báo chí, mạng xã hội để hướng lái làm sai lệch bản chất vụ án, bôi nhọ cơ quan chức năng hòng “kêu oan” cho Lê Quang Huy Phương, họ “mua” nhiều tờ tạp chí, chuyên trang điện tử, lập ra hàng loạt trang mạng xã hội, tài khoản cá nhân facebook, kênh Youtube chỉ để đăng tải các bài viết có lợi cho Phương, thậm chí thay mặt Tòa án kết luận Phương bị oan sai và hậu quả dẫn đến không ít người thiếu hiểu biết đã tin lời bịa đặt, sai trái quay ra nghi ngờ cơ quan chức năng, bênh vực cho kẻ thủ ác. Đưa ra xét xử và tuyên án đối với Lê Quang Huy Phương không những thể hiện trình độ, năng lực, bản lĩnh mà còn thể hiện sự thận trọng, khách quan của Tòa án nhân dân các cấp.

Trong khoảng thời gian 02 năm, 01 tháng, 23 ngày kể từ khi Lê Quang Huy Phương bị khởi tố thì hồ sơ vụ án này có đến 01 năm 04 tháng 14 ngày được chuyển sang Tòa án nhân dân Thành phố Huế và Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế để nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị cho công tác xét xử. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 1 (vào các ngày 26, 27/11/2020), bị cáo Lê Quang Huy Phương bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế truy tố 03 tội: “h.i.ế.p d.â.m”, “cố ý gây thương tích”, “giữ người trái pháp luật”, tuy nhiên xét thấy có một số vấn đề chưa được làm rõ Hội đồng xét xử tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, trong các ngày 22, 23/3/2021, Tòa án nhân dân thành phố Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 2 nhưng phải đến ngày 26/3/2021, Hội đồng xét xử mới tuyên án. Đó là một sự thận trọng cần thiết cho một phiên tòa mà mọi ánh mắt, ống kính và dư luận đều được đổ dồn và trên internet phía gia đình bị cáo đã tung ra lời lẽ “kêu oan” trước ngày xét xử, thậm chí là đã bôi lem uy tín, danh dự và nhân phẩm của Hội đồng xét xử và những người bảo vệ pháp luật. Nhưng với bản lĩnh của mình, những người cầm cán cân công lý đã dứt khoát gõ búa tuyên án 6 năm 8 tháng tù đối với Lê Quang Huy Phương với các tội danh “h.i.ế.p d.â.m”, “cố ý gây thương tích”, “giữ người trái pháp luật”.

Tuy nhiên với vai trò, trách nhiệm của mình, nhận thấy bản án chưa tương xứng với hành vi mà bị cáo gây ra, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế đã có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm (phía bị hại và bị cáo cũng đều kháng cáo). Thêm một lần nữa, Tòa án nhân dân 02 cấp tỉnh Thừa Thiên Huế lại phải tiếp tục đánh giá, nghiên cứu lại tất cả các chứng cứ, tài liệu của vụ án một cách thận trọng trước khi tổ chức phiên tòa xét xử phúc thẩm đầu tháng 11/2021 vừa qua. Đó không phải là một sự việc đơn giản như nhiều người nghĩ đã có hồ sơ thì mở tòa xét xử phúc thẩm mà là thời gian cực kì căng thẳng cho cuộc đấu lý, đấu trí giữa công lý và tiền bạc, bởi trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm giữa gia đình bị cáo và bị hại đã thương lượng để bị hại rút đơn đề nghị khởi tố hành vi hiếp dâm của Lê Quang Huy Phương – đây là một thủ đoạn để đem lại cơ hội thoát tội hoặc được giảm án của đội ngũ tư vấn pháp luật và chiến dịch truyền thông vu cáo cơ quan chức năng cố tình hãm hại Phương, đưa Phương đến đường cùng, “thân bại danh liệt”. Một áp lực rất lớn từ dư luận có thể nói rất “nóng bỏng” với nhiều ý kiến trái chiều, đòi “xử lý” Lê Quang Huy Phương với mức án cao nhất và cũng không ít người có thái độ nghi ngờ liệu có sự thông đồng trước giờ xử án với nhau hay không? Và cũng có người ca thán “kẻ có tiền sẽ thoát tội!”,… Cả xã hội đều tập trung về phiên tòa phúc thẩm và cuối cùng như khi Chủ tọa phiên tòa tuyên án 5 năm 2 tháng tù giam cho Lê Quang Huy Phương, nhiều tiếng vỗ tay, hò reo chúc mừng cho công lý khắp nơi – một bản án đúng pháp luật nhưng cũng rất nhân văn, thấu tình đạt lý giành cho Lê Quang Huy Phương, cho bị hại và cả xã hội.

Vụ án Lê Quang Huy Phương đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và tranh tụng tại tòa, góp một phần không nhỏ vào quá trình hoàn thiện các chính sách về cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Để công lý được thực thi thì mỗi cá nhân, cơ quan thực thi pháp luật tham gia với các vai trò khác nhau phải nỗ lực, cố gắng không ngừng. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa và các thành viên Hội đồng xét xử cả 02 cấp phải là người am hiểu pháp luật và làm việc thận trọng, tỉ mỉ, khoa học; phải nêu cao tinh thần khách quan, toàn diện trong quá trình điều tra, xác minh; bình tĩnh đánh giá chứng cứ của vụ án và quyết đoán, bản lĩnh trong quá trình xét xử.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: