Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2022

NGA VÀ TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI

Ngày 27/10/1962 hay còn gọi là “Ngày thứ 7 đen tối” đã trở thành như một sự kiện khó quên trong diễn trình chính trị thế giới. Thời điểm đánh dấu những động thái trước đó của các cường quốc có thể châm ngòi một cuộc chiến tranh hạt nhân mà nếu xảy ra sẽ khiến cho lịch sử nhân loại thay đổi đáng kể so với hiện nay.


Bắt nguồn của cuộc khủng hoảng là việc Hoa Kỳ đặt 15 tên lửa tầm trung PGM-19 Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ, những tên lửa này mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công Moscow bất cứ thời điểm nào. Để đáp trả, lãnh đạo Liên xô lúc đó là Nikita Khrushchev tính nóng như kem đã triển khai tên lửa ở quốc gia đồng minh Cuba đảm bảo có thể đáp trả hạt nhân vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Nga, Hoa kỳ hay bất cứ quốc gia nào khác nhìn chung đều là “những-tù-nhân-của-địa lý” - một khái niệm địa chính trị được Tim Marshall đưa ra trong quyển sách cùng tên. Chúng mình có thể chọn lựa được khu vực mình sống nhưng tiếc thay khó lòng chọn lựa được quốc gia láng giềng và vì vậy, chính sách đối ngoại và quân sự của một quốc gia sẽ được quyết định bởi điều kiện địa lý của quốc gia đó.

Sự kiện khủng hoảng hạt nhân ở Cuba nói trên trong một chừng mực nhất định cũng tương tự với điều đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraine. Cường quốc quân sự như Nga có thể chấp nhận một Ukraine ngày càng thân thiết với phương Tây và nhưng khó lòng chịu đựng được việc tên lửa của Hoa Kỳ xuất hiện chỉ cách thủ đô Moscow vài trăm dặm về phía Tây nếu Ukraine gia nhập NATO.

Sâu xa hơn, những cường quốc khác hiện nay trên thế giới đều đã có những dấu mốc và thông điệp riêng của mình. Nếu Hoa Kỳ theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” thì Trung Quốc thực hiện chiến lược “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, trong khi đó đến nay Nga chưa có một chiến lược mang tính toàn cầu hoặc hành xử với vị thế như một cực của thế giới.

Có một điều khá thú vị khi quan sát chiến tranh thông tin giữa Nga và Ukraine ở chỗ Ukraine luôn truyền thông liên tục về việc Nga bị thiệt hại quân sự nặng nề nhưng một phần trong đó là tin giả, thì phía Nga lại chỉ đưa những thông tin rất ít chủ yếu về việc hình ảnh quân Nga thân thiện phát lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân, đây chính là cách hành xử của nước lớn thời hậu chiến.

Đàm phán giữa hai bên là một phương án khả dĩ, nhưng trong nhiều trường hợp nó chỉ mang tính hình thức khi kết quả chiến trường mới là yếu tố quyết định. Một trong những điểm khó khăn của đàm phán là Nga muốn mở hành lang nhân đạo cho người dân di chuyển về phía Tây nhưng chính quyền Ukriane thừa biết rằng nếu không còn lá-chắn-sống là người dân thì cuộc chiến này kết thúc với thời gian có thể tính bằng giờ. Đừng nghĩ Tổng thống Zelenskyy ngáo ngơ khi kêu gọi tử thủ.
Một nguyên lý quan trọng của kinh tế học đó là “con người duy lí suy nghĩ tại điểm cận biên” (rational people think at the margin), cận biên hiểu đơn giản là hiện tại. Giữa quá khứ bất biến và tương lai bất định thì hiện tại mới là thứ cần quan tâm như tinh thần thiết thực hiện tại của Phật giáo, hay cách cựu Thủ tướng Winston Churchill từng nói “Trên thế giới này không có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”.

Có nhiều phân tích đang quá sa đà vào lịch sử nghìn năm rằng vùng đất Ukraine vốn thuộc về dân tộc nào mà không thấy rằng hành vi mang tính bản năng của loài người là di chuyển. Căn nhà mới ăn tân gia có khi vài tháng sau đã đổi chủ huống chi mảnh đất đã có sự xuất hiện của loài người cách đây vạn năm, nên nhớ Bắc Mỹ mới 400 năm trước vẫn hoàn toàn thuộc về những người da đỏ.

Ngày hôm qua của chúng ta gắn liền với những sự thật gần-như vĩnh cửu của địa lý thay vì tính ngẫu nhiên của những thời kỳ lịch sử. Xung đột vũ trang Ukrain-Nga hiện nay là một cuộc chiến quy mô lớn nhất kể từ khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc và không phải tự nhiên mà khu vực Á – Âu trở thành tâm điểm hai cuộc chiến chấn động nhất lịch sử nhân loại.

Halford Mackinder – nhà địa chính trị gia Anh quốc năm 1939 đã đưa ra lý thuyết về “vùng đất trung tâm” (heartland theory) rằng quốc gia nào có thể kiểm soát được vùng lãnh thổ này sẽ có thể kiểm soát được thế giới. Vùng đất trung tâm ở đây ứng với lục địa Á – Âu xác định rộng là khu vực khoảng giữa Bắc Cực và dãy Hymalayas còn hẹp hơn là vùng đất nằm giữa Đức và Siberia.

Chính những sự chèn ép của phương Tây đã khiến hai quốc gia đang kiểm soát phần lớn khu vực này là Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Xung đột ở Ukraine hiện nay có thể xem như cuộc chiến chính thức chấm dứt thời kì hậu chiến tranh lạnh và khởi đầu cho trật tự thế giới mới. Ván bài đang được những người chơi chia lại với lá bài quyết định hơn kém chính là Ukraine.

Chiến tranh thì luôn kéo theo hệ quả về nhân đạo, nhưng với giới học thuật quốc tế nói riêng và những người yêu thích chính trị thế giới nói chung thì nó không khác gì bữa đại tiệc của thông tin. Kính nhi viễn chi, nhìn người ắt thấy ta ở đó, luận bàn với tư duy lý trí đôi lúc còn chưa thể có kiến giải cặn kẽ, huống hồ nhiều anh chị lướt mạng xã hội cả ngày nhưng vẫn không biết hôm nay ăn gì lại đi bỉ bôi lãnh đạo thế giới khi mà chỉ với một quyết định của họ có khi khiến các anh chị phải tức tốc mang xe đi đổ xăng.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: