Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

CĂN CỨ NÀO ĐỂ XÂY DỰNG TRƯỜNG SA TRỞ THÀNH TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN?

Nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi về quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi thăm làm việc tại Khánh Hòa đó là: "Xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội; là thành trì bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc". Liệu Việt Nam có đủ nguồn lực để thể làm được việc này hay không?


Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng với hành động tập trận của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) từ ngày 4-15/3 và kỷ niệm 34 năm diễn ra Hải chiến tại đảo Gạc Ma thì động thái của Việt Nam thể hiện rõ ràng quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc với sự xuất hiện của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm viếng hương hồn 64 chiến sỹ hải quân ngã xuống trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và làm việc với tỉnh Khánh Hòa - nơi mũi nhọn trong việc tiến ra biển đảo của Việt Nam.

Nhìn vào chương trình làm việc của Thủ tướng có thể thấy rõ ý hướng của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một bước đột phá trong phát triển kinh tế biển, đảo. Trong đó tập trung nguồn lực để xây dựng Trường sa trở thành trung tâm, tiền đồn cho sự phát triển.

Chúng ta nên nhớ rằng không gian sống ngày càng chật hẹp, việc tiến ra thế giới đòi hỏi phải xây dựng được những tiền đồn nơi phên dậu của đất nước. Chính phủ đã nhìn nhận vấn đề này trở thành cấp thiết và dồn sức đầu tư để có thể xây dựng cơ sở hạ tầng tốt nhất phục vụ vươn ra thế giới.

Việt Nam có lý do cần thiết để xây dựng Trường Sa thành nơi phát triển kinh tế, xã hội không chỉ vì lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc mà còn là chỗ dựa cho niềm tự hào dân tộc, người dân đang trông mong vào những hành động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Chính phủ trước sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Hơn nữa, một Trường sa phát triển sẽ trở thành pháo đài, căn cứ đặc biệt quan trọng để các quốc gia lớn như Mỹ, phương Tây phải xem xét yếu tố Việt Nam trong quan hệ quốc tế; hoặc ít nhất là vấn đề dịch vụ hậu cần, chống khủng bố, chống cướp biển tại Biển Đông - vốn là nơi giao thương đặc biệt quan trọng của các nước lớn.

Cho nên tính toán việc xây dựng Trường Sa thành trung tâm phát triển toàn diện là toan tính chiến lược lâu dài của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Quan trọng là khi nào thì mới trở thành phát triển và phát triển có tương xứng với kỳ vọng hay không.

Nên nhớ rằng các nước khác đang có tranh chấp ở Trường Sa đã xây dựng được các cảng cá, nhà máy xử lý thủy hải sản, xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời. Vậy thì Việt Nam cũng phải nỗ lực tiếp cận nhanh chóng đi tắt đón đầu trong đầu tư xây dựng để Trường Sa thông suốt nhanh chóng với đất liền.

<Lam Hồng>
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: