Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2022

“NÚP BÓNG VĂN HÓA” – XUYÊN TẠC LỊCH SỬ QUA PHIM ẢNH

Chiều nay, 6/10, bộ phim Little Women (tựa Việt: Ba chị em) do Hàn Quốc sản xuất đã chính thức bị Netflix xóa khỏi ứng dụng tại Việt Nam sau khi nhận được yêu cầu từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cách đây ít ngày. Lý do bị gỡ là do nội dung phim, cụ thể là ở tập 3 và tập 8 của phim nhắc đến yếu tố chiến tranh và xuyên tạc lịch sử Việt Nam.


Lại một lần nữa, câu chuyện núp bóng văn hóa, xuyên tạc lịch sử tiếp tục nổi lên.

Khoảng một năm trước, cộng đồng mạng đã từng dậy sóng với bộ phim Quân đội Vương Bài của Trung Quốc khi bộ phim này có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Và câu hỏi luôn được đặt ra chính là: có hay không chuyện phim ảnh liên quan, ảnh hưởng đến lịch sử chính trị?

Câu trả lời là có hay không, chúng ta hãy cùng xem xét lại một chút. Những bộ phim gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là từ khi Trung Quốc cho ban hành bản đồ hình “đường lưỡi bò” như Người tuyết bé nhỏ, Lấy danh nghĩa người nhà, Một đời một kiếp… đều chèn hình ảnh bản đồ hình “đường lưỡi bò” vào các tập phim, để ý một chút sẽ không khó để nhận ra.

Dù vô tình hay cố ý, những bộ phim như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến chủ quyền và lịch sử Việt Nam, tác động đến một bộ phận người dân, đặc biệt là lớp thanh niên trẻ yêu mến những thần tượng Trung Quốc, Hàn Quốc… Hệ quả chính là một số bạn trẻ vì đam mê thần tượng một cách mù quáng mà mặc kệ lịch sử chủ quyền đất nước bị xuyên tạc, làm sai lệch, ủng hộ phim chiếu, bênh vực thần tượng, lập luận rằng “phim ảnh và chính trị là hai lĩnh vực không liên quan đến nhau”. Thử hỏi rằng, một bộ phim của một đất nước đang lăm le chiếm biển, đảo của Việt Nam, trong phim còn có hình ảnh bản đồ sai lệch như vậy thì có nên ủng hộ không? Tuyên truyền về bản đồ, lãnh thổ đất nước sai trái như vậy thì có liên quan đến chủ quyền của đất nước ta hay không, có liên quan đến chính trị hay không? Thần tượng không có gì sai, nhưng đừng mù quáng đến mức đi ngược lại với lịch sử, văn hóa và lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Đứng trước nguy cơ xâm lăng qua phim ảnh giải trí như vậy, chúng ta cần có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn. Cần giáo dục cho thanh thiếu niên về lòng yêu nước ngay từ khi còn nhỏ, khi còn là những đứa trẻ mới bắt đầu biết thế nào là đất nước, là yêu nước, là đồng bào, là dân tộc. Chú trọng trong đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử để biến lịch sử thành một môn học thú vị, kích thích sự tìm tòi, khám phá lịch sử ở lớp trẻ để “dân ta phải biết sử ta”, tránh để rơi vào tình trạng tiếp cận những văn hóa phẩm xuyên tạc lịch sử nước nhà mà không hề hay biết. Tuyên truyền cho người dân biết về mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, chủ quyền đất nước, lịch sử dân tộc, để người dân chủ động tẩy chay những văn hóa phẩm độc hại không cần thiết. Nghiên cứu, sản xuất những bộ phim về lịch sử Việt Nam có chất lượng và thu hút người xem…

Phim ảnh là để giải trí, nhưng cũng là một công cụ hữu hiệu để tấn công vào văn hóa, để lâu dần sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của cả một thế hệ!

<Nguyễn Anh>
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: