Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

Thành tựu công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền nhân kỉ niệm 75 năm ngày nhân quyền thế giới

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người.


I. Nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế về quyền con người

Nhận thức pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người.
Ngay sau khi Việt Nam là thành viên của LHQ (năm 1977), vào những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã chủ động gia nhập 7 công ước quốc tế về quyền con người. Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người. Ngay cả Mỹ hiện nay vẫn là nước duy nhất trên thế giới chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về trẻ em năm 1989 và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.
Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người, khi dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; cùng với các luật, bộ luật được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

II. Bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội

Nhờ thành tựu trong hoạt động lập hiến, lập pháp, việc bảo đảm quyền con người đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, như: Lĩnh vực dân sự, chính trị; lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa và Về vấn đề bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Cụ thể: Trong thời kỳ đổi mới tỷ lệ đói nghèo và tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm rõ rệt. Hoặc, đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc về bảo đảm quyền này trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định 162/2017 của Chính phủ, lần đầu tiên quy định tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại. Pháp luật đã điều chỉnh nhiều quy định về thời gian, thủ tục để tạo thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo...

Minh chứng rõ ràng nhất đó là: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ về bảo đảm quyền lợi của những người bị tác động của đại dịch thông qua các gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch bằng những gói phúc lợi hàng chục ngàn tỷ đồng , bảo đảm các quyền con người cơ bản cho người dân, đồng thời gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội để ứng phó hiệu quả với những thách thức mang tính toàn cầu cũng như thiết lập những bảo đảm cần thiết cho sự phát triển bền vững với tầm nhìn trung và dài hạn.

III. Chủ động tham gia hiệu quả vào việc thúc đẩy quyền con người trên thế giới

Việt Nam trong những năm gần đây không chỉ nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế mà còn tích cực, chủ động và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực và thế giới. Điều này thể hiện rõ thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng ‎thuận rất cao những lần Việt Nam gia nhập Hội đồng nhân quyền LHQ và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong giai đoạn 2014-2016, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của LHQ về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước.

Tại khu vực, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025. Và vừa qua, với số phiếu cao, Việt Nam đã chính thức trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ thứ 2 (2023-2025).

Như vậy có thể khẳng định rằng những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong suốt hơn 35 năm qua, là minh chứng sinh động cho thấy quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, là vì quyền con người.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: