Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

Lại là “tự nhục”

Những thứ mà ở Việt Nam có tiền cũng không mua được bao gồm: Môi trường trong lành; luật pháp công bằng; sự chênh lệch về giàu - nghèo không quá lớn; có nhiều cơ hội phát triển; sự bình yên và an toàn (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Đó là những gì mà trang facebook Chân trời mới Media nói về Việt Nam trong bài “Giấc mơ trời tây vẫn chưa bao giờ chấm dứt!”, đăng ngày 4-12-2023.



Thật đáng buồn khi những từ ngữ này được viết bởi người mang dòng máu Việt, nhưng có cái nhìn không mấy tốt đẹp về quê hương mình.
“Tự nhục” là cụm từ dùng để chỉ biểu hiện của một số người trong xã hội luôn tự hạ thấp bản thân hoặc quốc gia, dân tộc mình và luôn đề cao người khác hoặc các giá trị ngoại lai. Qua đó cho thấy, những từ ngữ mà Chân trời mới Media diễn tả về Việt Nam là biểu hiện của sự “tự nhục” dưới cái nhìn thiển cận, không muốn đất nước phát triển, trong khi sự thật thì hoàn toàn trái ngược với những gì trang facebook này xuyên tạc.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Mạng lưới người nước ngoài toàn cầu (Internations) với hơn 4 triệu thành viên, Việt Nam đứng thứ 14/53 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài. Cụ thể, quá trình khảo sát được thực hiện ở 171 quốc gia và vùng lãnh thổ với 12.000 người tham gia đã bình chọn Việt Nam thuộc nhóm có chỉ số an ninh cao nhất, giá cả phải chăng, chi phí sinh hoạt thấp…
Bạn bè quốc tế đánh giá về Việt Nam chúng ta như thế, nhưng bằng cái nhìn phiến diện, các đối tượng này đã đánh đồng chi phí sinh hoạt thấp với chất lượng cuộc sống cũng như mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Chúng gọi đó là “sự thật đằng sau danh hiệu Việt Nam được bình chọn” nhằm tạo ra sự hoài nghi, mơ hồ cho người đọc. Qua góc nhìn tiêu cực, một chiều của chúng thì thành tích nêu trên trở nên không mấy tự hào và phủ nhận thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Phải thừa nhận rằng chi phí thấp là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành quốc gia đáng sống trong mắt bạn bè quốc tế. Thực tế trong hơn 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đảm bảo chất lượng sống của người dân, lấy nhân dân làm trung tâm của quá trình phát triển. Do đó, mọi người dân sinh sống trong lãnh thổ Việt Nam (kể cả người nước ngoài) đều được thụ hưởng thành quả từ quá trình phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo giảm xuống còn 2,1% trong năm 2023 thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 4,7%, sau đó tăng lên 5,5% trong năm 2024 và khoảng 6% vào năm 2025. Cũng theo dữ liệu của WB, Việt Nam đã vươn lên 108 bậc, từ vị trí thứ 136 lên 28 trong bảng xếp hạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên thế giới, tăng hơn 6.000 lần trong giai đoạn 1986-2022. Việt Nam liên tục giữ vững vị trí thứ 3/10 trong bảng xếp hạng quốc gia thu hút FDI nhiều nhất của khối ASEAN giai đoạn 2015-2022. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong tạo ra việc làm cho người dân. Ngoài ra, với nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản đa dạng đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông thủy sản lớn trên thế giới, góp phần tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn. Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo do đã đạt “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc về chương trình này trước thời hạn 10 năm. Qua đó khẳng định sự nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân.
Khách du lịch và bạn bè quốc tế luôn dành sự yêu mến đặc biệt đối với văn hóa và con người Việt Nam mỗi khi ghé thăm. Đến với Việt Nam không chỉ có giá trị vật chất, quan trọng hơn, họ còn tìm thấy ở đây giá trị văn hóa tinh thần vô cùng hấp dẫn. Chi phí thấp có thể là một trong những yếu tố làm bạn bè quốc tế hài lòng về Việt Nam, nhưng quan trọng hơn đó là chất lượng cuộc sống được đảm bảo, văn hóa đa dạng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bình yên, xã hội ổn định và tấm lòng mến khách của người dân.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương làm ăn, sinh sống và định cư lâu dài. Chính giá trị về tinh thần mới là yếu tố níu giữ trái tim du khách nước ngoài cũng như những người Việt Nam xa quê hương. “Đất lành chim đậu” là câu tục ngữ từ xa xưa ông cha ta truyền lại để khuyên con người tìm đến nơi phù hợp, có điều kiện phát triển để sinh sống. Việt Nam có đầy đủ những điều kiện để tạo ra môi trường sống chất lượng trên tất cả các yếu tố về thiên nhiên, văn hóa, con người…
Đặc biệt ở Việt Nam, người ta tìm thấy những giá trị đích thực của cuộc sống, đó là giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc mà nhiều nước trên thế giới phải ngưỡng mộ và theo đuổi. Sự thân ái, nhân hậu của người Việt Nam cũng tạo nên sức hấp dẫn để du khách ở lại và những người Việt xa xứ trở về với quê hương, định cư lâu dài.
Đáng buồn thay, vẫn còn một bộ phận nhỏ những người tự nhận mình là người Việt, nói tiếng Việt nhưng lại luôn tìm cách phủ nhận những giá trị tốt đẹp mà đất nước đã và đang chứng minh với cả thế giới. Nếu không ở Việt Nam, cảm nhận về cuộc sống thanh bình và con người nơi đây, nhận thức một cách đầy đủ những gì mà đất nước mang lại cho bản thân thì mọi cái nhìn về Việt Nam sẽ là phiến diện, sai lệch, rồi nảy sinh biểu hiện “tự nhục”.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: