Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

ĐÔI ĐIỀU VỚI THẦY GIÁO VŨ KHẮC NGỌC VỀ “HÒA HỢP DÂN TỘC”

Thầy giáo dạy môn Hóa học Vũ Khắc Ngọc vừa lên án các hành vi phản ứng lại với ca sĩ Khánh Ly khi hát bài “Gia tài của mẹ” tại Đà Lạt là đi ngược lại với chủ trương và con đường “hòa hợp dân tộc”. Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát bài hát có nội dung bị cấm biểu diễn ở Việt Nam đang gây nên sự tranh cãi trong cộng đồng mạng nhưng từ một sự kiện cụ thể mà vộ vàng kết luận đến con đường “hòa hợp dân tộc” là điều không nên và không thể.


Trước hết, một số comment, bình luận với lời lẽ thiếu văn hóa khi xuất hiện đoạn video Khánh Ly hát bài hát (không nằm trong chương trình biểu diễn) là điều không chấp nhận được. Điều này hoàn toàn đồng tình với thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. Một kỷ lục không đáng tự hào là Môi trường Internet ở Việt Nam thuộc top 10 quốc gia thiếu lành mạnh nhất thế giới. Đây là điều đáng buồn và đáng trách đối với những người sử dụng Internet ở Việt Nam hiện nay. Giải quyết vấn đề này cần sự quyết liệt hơn của các cơ quan nhà nước và ý thức tự giác của mỗi người khi tham gia vào môi trường chung.

Tuy nhiên, suy diễn cộng đồng mạng Việt Nam “50 năm mà nhìn đâu cũng thấy kẻ thù” là điều đáng bàn. Nhà nước Việt Nam vẫn cấp phép cho Khánh Ly thực hiện tour xuyên Việt, người hâm mộ vẫn yêu mến và thể hiện tình cảm đón nhận tài năng nghệ thuật của Khánh Ly – một giọng hát gắn bó với bao nhiêu thế hệ của người Việt. Cộng đồng mạng chỉ lên án việc sử dụng những ngôn từ không đúng lịch sử thậm chí là xuyên tạc. Đây là vấn đề mà bất kỳ người Việt Nam nào có thể chịu được. Không chỉ người Việt Nam, mà người Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều có những phản ứng quyết liệt đối với những ca sĩ, người hoạt động showbiz nếu dám xuyên tạc lịch sử. Diễn viên Shin Min Ah, bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Snowdrop” đều đã bị tảy chay vì tham gia các dự án video, phim xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Tổ quốc, dân tộc là điều thiêng liêng không ai có thể xâm phạm.

Bàn thêm về bài hát “Gia tài của mẹ” của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Bài hát được viết vào năm 1965 trong bối cảnh hệ thống truyền thông của Mỹ đang ra sức tuyên truyền cho việc sự có mặt “hợp pháp” của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ cũng ồ ạt bơm tiền, thức ăn vào miền Nam để minh chứng cho sự có mặt của họ. Đây là điều mà bất kỳ người dân sống trong bối cảnh đó (có cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) bị ảnh hưởng. Sức mạnh tuyên truyền về quân đội Mỹ khiến cho bao nhiêu thanh niên Việt Nam phải cay đắng và được thể hiện trong bài thơ trào phúng nổi tiếng thời bấy giờ: “Rớt tú tài anh đi trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ sanh con/ Bao giờ xong việc nước non/ Anh về anh có Mỹ con anh bồng”. Điều chua xót này chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận ra và thể hiện trong bài hát. Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc hãy nhớ rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người sáng tác bài hát nhưng không ai phản đối hay tẩy chay cố nhạc sĩ cả. Người Việt Nam cũng luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, là máu thịt của người Việt.

Hòa hợp dân tộc không phải là bất chấp tất cả, quên đi lịch sử dân tộc thầy giáo ạ. Mong thầy chuyên tâm dạy học cho các em học sinh, đường để những chuyện phiếm vấy bẩn học đường.

<Nga Mi>
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: