Thứ Ba, 12 tháng 7, 2022

VỀ CHUYỆN CHỈNH SỬA BIA MỘ “LIỆT SĨ VÔ DANH”

Ngay sát thời điểm chuẩn bị kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, một số trang như Việt Tân, VOA,… thậm chí một số tờ báo trong nước như Tuổi trẻ, Dân trí, Dân Việt đưa câu chuyện chỉnh sửa thông tin khắc trên 20.000 bia mộ “liệt sĩ vô danh” trở thành “"Liệt sĩ chưa xác định được thông tin" ra để bàn tán. Một số ý kiến phản đối hành động trên, cho rằng không cần thiết, tốn kém, chỉ trích trực tiếp cá nhân ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội. Thậm chí, trong bài viết “Chuyên gia nói gì về việc đổi tên bia mộ "liệt sĩ vô danh"? trên báo Dân Việt, một tờ báo chính thống trích lời một vị Phó giáo sư, cho rằng việc đổi tên là không cần thiết.


Là một cựu chiến binh, theo dõi thông tin liên quan từ đầu, tôi cho rằng, phải có nhìn khách quan về vấn đề này. Thực tế, việc đổi tên bia mộ “liệt sĩ vô danh” không phải do anh Đào Ngọc Dung hay lãnh đạo Bộ LĐ,TB và XH bây giờ nghĩ ra, mà xuất phát từ đề xuất của Hội cựu chiến binh Việt Nam. Năm 1996, Ban Chấp hành Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam là đầu mối đề xuất kiến nghị thay đổi hình thức thể hiện trên bia mộ các liệt sĩ vô danh tới Chính Phủ và Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội. Việc làm này của các cụ cựu chiến binh xuất phát từ một bài thơ từ trước đó 3 năm, được lan tỏa rất sâu rộng, bài thơ có tựa đề "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh" của nhà báo Văn Hiền ở Báo Nghệ An.

Đề xuất này được chấp thuận, và đã được tiến hành ngay sau đó. Và nó đã được Luật hóa trong Nghị định Số 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó, tại khoản c, điều 152, chương 5, quy định bia mộ thống nhất việc ghi ký tự, thông tin cụ thể. "Đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin nêu trên thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng; trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin".

Việc này có tốn kém không? Tất nhiên là sẽ mất kinh phí. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, cơ quan chủ trì việc chỉnh sửa hơn 20.000 ngôi mộ “liệt sĩ vô danh”, thì mỗi bia mộ chỉnh sửa mất 300.000 đồng, nếu chỉnh sửa 20.000 ngôi mộ sẽ mất tầm 6 tỷ đồng. Một số tiền tôi khẳng định là không lớn, so với máu xương hi sinh của các liệt sĩ cũng như số tiền Đảng, Nhà nước dành cho việc đền ơn đáp nghĩa với những người có công với đất nước.

Việc chỉnh sửa bia mộ liệt sĩ theo tôi nghĩ là rất cần thiết, để chúng ta tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh. Đừng vì lý do gì để suy diễn, làm mất ý nghĩa của một hành động nhân văn như vậy.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: