Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

CÓ ĐƯỢC HOÀ BÌNH - ĐỘC LẬP - TỰ DO KHÓ LẮM, CỐ MÀ GIỮ LẤY

Tối 27-7, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022), Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” tại 6 điểm cầu: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang và An Giang. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và được tiếp sóng trên các đài phát thanh và truyền hình địa phương.


Chương trình “Khúc tráng ca hòa bình” được dàn dựng với 3 phần: "Những dấu chân hòa bình"; "Bài ca không quên"; "Khát vọng hòa bình". Ở phần đầu chương trình, khán giả trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Tổ quốc cần đến, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời đã sống và hy sinh vì nền độc lập dân tộc, vì hòa bình của đất nước.

Cống hiến hết mình, không ngại khó, ngại khổ hay gian lao-đi qua những mất mát của chiến tranh-đường về nhà của những "dấu chân hòa bình" mỗi người mỗi khác: Có những người trở về với “dấu chân tròn trên cát”, có người mất nhiều năm sau để đoàn tụ được với người thân, có những người mải miết đi tìm những đồng đội cũ... Tất cả để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Những người còn sống hôm nay luôn mang trong mình "Bài ca không quên" về các đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình.

Chiến tranh kết thúc, người Việt Nam hiểu hơn hết về giá trị của hòa bình. Các thế hệ người Việt Nam chung tay giữ gìn, bảo vệ hòa bình; khơi dậy động lực cống hiến, hy sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh. “Khát vọng hòa bình” được minh chứng qua câu chuyện về những “Lời hứa hòa bình” của các thương binh trở về sau chiến tranh, mang theo tinh thần lạc quan "tàn mà không phế", chung tay vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đồng hành với đất nước khi sang những trang sử mới: Trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh.

Đó là lời hứa thiêng liêng của những người còn sống với các đồng đội đã khuất; câu chuyện về những thế hệ trẻ, mang khát vọng hòa bình vang xa với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc...

Bên cạnh những câu chuyện đầy bi tráng về các thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì hòa bình, các tiết mục được đầu tư công phu tại những điểm cầu cũng là điểm nhấn vô cùng ấn tượng của chương trình được thể hiện qua giọng ca của nhiều nghệ sĩ, đưa khán giả trở lại mạch cảm xúc đầy bi tráng và xúc động.

Với sự kết hợp hài hòa, công phu cả về nội dung, hình ảnh và âm nhạc, chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” mang đến ký ức và cảm xúc vô cùng thiêng liêng đối với những người trở về sau chiến tranh và thế hệ hôm nay để tri ân các thế hệ đã anh dũng chiến đấu cho tự do, hòa bình và thống nhất non sông…

Và khoảnh khắc khi những ca từ trong bài hát Màu Hoa Đỏ được cất lên :

“Có người lính
Mùa thu ấy
Ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy
Ra đi từ đó không về…”

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã không kìm được nước mắt.
Một chương trình thật sự rất cảm động và vô cùng ý nghĩa.

CÓ ĐƯỢC HOÀ BÌNH - ĐỘC LẬP - TỰ DO KHÓ LẮM, CỐ GẮNG MÀ GIỮ LẤY
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: