Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

ĐỂ CÔNG NHÂN VIỆT NAM XỨNG VỊ THẾ MỚI!

Ngày 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc đối thoại với công nhân Việt Nam tại Bắc Giang và kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành trong cả nước. Đây là cuộc đối thoại thực sự có ý nghĩa để giải quyết các vấn đề trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách cho công nhân và nâng cao chất lượng lao động. Đã có hơn 10.000 câu hỏi chuyển đến chương trình thể hiện sự quan tâm của công nhân và những vấn đề cần giải quyết.


Sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng xuống, đời sống kinh tế dần phục hồi nhưng đời sống của công nhân vẫn gặp những khó khăn. Vì vậy, giải quyết các vấn đề như: thu nhập của công nhân; chế độ bảo hiểm xã hội; vấn đề nhà ở, chăm sóc sức khỏe của công nhân…là những vấn đề “nóng” cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng sức, đồng lòng của Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành liên quan. Nâng cao chất lượng đời sống của công nhân là vấn đề cấp bách, thời sự và cần quá trình giải quyết lâu dài trên cơ sở nền tảng kinh tế và chất lượng lao động. Đây là cơ sở để giai cấp công nhân nâng tầm vị thế, khẳng định vai trò lãnh đạo của mình đối với đất nước.

Bên cạnh đó, vấn đề đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân là điều cần đặc biệt quan tâm hiện nay. Trong bối cảnh có nhiều hoạt động kích động, lôi kéo công nhân đình công, bãi công, gây rối ANTT. Nhiều công dân vì thiếu hiểu biết, nghe theo lời xúi giục của đối tượng xấu đã tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật, đập phá trụ sở của các công ty nước ngoài ở Bình Dương, Đồng Nai. Đây là việc làm đáng trách khi hàng nghìn công nhân đã mất việc làm, Nhà nước phải đền bù thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Do đó, để tránh những việc như trên thì nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân là đòi hỏi cấp thiết. Cần nhiều chương trình dành riêng cho công nhân trên các kênh truyền hình, nền tảng mạng xã hội để mỗi người tự ý thức, nâng cao trách nhiệm của mình đối với đất nước.

Tăng lương, nâng cao đời sống phải gắn liền với chất lượng công việc. Các doanh nghiệp, công ty chỉ có thể tăng lương, giảm giờ làm, đáp ứng các phúc lợi xã hội đầy đủ khi tay nghề của công nhân được nâng cao. Yêu cầu về năng suất lao động ngày càng cao đòi hỏi phải có các chương trình đào tạo nghề chuyên sâu, rèn luyện các kỹ năng cho công nhân một cách toàn diện.

Để công nhân Việt Nam xứng với vị thế mới đòi hỏi Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp đồng thời sự nỗ lực của mỗi công nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.

<Nga Mi>
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: