Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Lại luận điệu cũ rích “sang yết kiến đầu não Bắc Kinh”

Mỗi sự kiện đối ngoại của lãnh đạo Việt Nam có liên quan đến Trung Quốc, y như rằng, những trang truyền thông nhân danh yêu nước hay “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam” giở bài xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn. Chẳng hạn như: “Sau Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính, Tô Lâm đến lượt bộ trưởng quốc phòng Việt Nam sang yết kiến đầu não Bắc Kinh. Cụ thể, tướng Phan Văn Giang thăm Trung Quốc, dự diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh từ 27 đến 31/10” là những dòng trang Việt Tân tung ra gần đây, đã thấy tự nó phơi bày âm mưu, sự kích động, và cả sự hậm hực đến tối mắt của tổ chức phản động nhẵn mặt này. Tuy nhiên, phàm làm những điều xấu xa lố quá thì kết quả thường ngược lại. Trong trường hợp này, sự ngược lại là tự Việt Tân bôi tro trát chấu vào mặt mình và chẳng thể lừa được ai.


Các chuyến công du tới Trung Quốc của các ông Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính, Tô Lâm đều đã qua; chương trình, hoạt động kết quả, ý nghĩa thiết thực đều được thông tin và nhấn mạnh, gắn với mục tiêu không thể thiếu vắng trong các hoạt động ngoại giao đa phương, đa dạng của Việt Nam, là vì lợi ích đất nước, vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phồn vinh tại khu vực và trên thế giới. Ý nghĩa và kết quả đó đủ sức đánh tan luận điệu về cái gọi là các nhà lãnh đạo Việt Nam “đi chầu thiên triều Trung Quốc” – mà Việt Tân đã tán phát.


Trở lại chuyến công du đang diễn ra của ông đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tại Trung Quốc: hiển nhiên, chẳng có lý do gì để bẻ cong thành chuyện ông đại tướng này “sang yết kiến đầu não Bắc Kinh”, vì 2 lẽ.

Thứ nhất, chuyến công du của ông Phan Văn Giang đã được lên kế hoạch và được các cơ quan liên quan chuẩn bị từ hồi đầu năm. Về phía Trung Quốc, trong cuộc gặp với ông thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – thứ trưởng bộ Quốc phòng Việt Nam, ngày 28/3 năm nay, ông Phan Đào, tùy viên Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam đã lấy làm hoan hỷ, sốt sắng thông tin rằng: Các nội dung hoạt động của hợp tác quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc đã được Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác định trong Kế hoạch hợp tác từ đầu năm 2023, và chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện…

Hẳn là từ sự phối hợp đó, cùng thời điểm trên, Thông tấn xã Việt Nam đã đánh đi bản tin mà ai cũng thấy: “Theo Kế hoạch, Bộ Quốc phòng Trung Quốc dự kiến mời Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc vào dịp tổ chức Diễn đàn Hương Sơn năm 2023“. Rõ ràng là một lời mời trang trọng tham dự Diễn đàn Hương Sơn dành cho ông Phan Văn Giang từ phía Trung Quốc chứ nào phải Việt Nam. Nếu ông Phan Văn Giang sang Trung Quốc với thân phận “chầu”, hay “yết kiến đầu não” (như Việt Tân xuyên tạc, vu khống) thì tự Việt Nam phải lo và liệu lấy chứ; việc gì Bắc Kinh không chỉ trọng thị chuyển lời mời, mà còn giao các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc chu đáo, hối hả chuẩn bị trong sự kiện từ hơn 7 tháng trước?

Thứ hai, Diễn đàn Hương Sơn là diễn đàn về “Hợp tác an ninh quốc tế và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, thành lập từ năm 2006. Do Hội Khoa học quân sự Trung Quốc tổ chức (thường niên), tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế: diễn đàn này, cùng các diễn đàn, đối thoại khác như Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva tại Nga, Đối thoại Shangri-La tại Singapore, đã và đang ngày càng khẳng định là diễn đàn an ninh quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Quan trọng nên nó thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nêu để thấy: Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 (từ ngày 27 đến 31/10), có tới 90 phái đoàn chính thức của các quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia, trong đó có Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, Nga…, và đặc biệt: cả đoàn của siêu cường số một thế giới Mỹ. Nếu suy diễn như Việt Tân, chẳng lẽ sự hiện diện của đoàn Mỹ cũng coi như Washington cử người về Bắc Kinh “yết kiến đầu não” sao?

Đó là chưa kể, trong số các đại biểu tham dự có tới 22 đại biểu cấp Bộ trưởng Quốc phòng trở lên, cùng vô số tướng tá cấp tổng tư lệnh quân đoàn các nước. Lại nữa, đến tổng thư ký ASEAN và đại biểu của các tổ chức quốc tế và khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Liên đoàn Arab, NATO và Liên minh Châu Âu…cũng hồ hởi có mặt.

Quy mô bề thế đó, cộng với chủ đề diễn đàn lần này là “An ninh chung, hòa bình lâu dài”, chẳng có lý do gì để một nước như Việt Nam, với chủ trương, đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa…lại không tham gia. Tham gia để làm gì? Để có cơ hội cùng các nước tăng cường hợp tác, đối thoại. Để tạo dựng lòng tin, góp phần bảo đảm an ninh khu vực và trên thế giới.Để thể hiện trách nhiệm trong việc vun đắp môi trường hòa bình và ổn định để phát triển bền vững….Và cũng là để khẳng định tiếng nói, vai trò, vị thế của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Không loại trừ nước chủ nhà có thể lèo lái sự kiện này theo mục tiêu riêng, nhưng sự tỉnh táo, bám sát đường lối “ngoại giao cây tre” và quan điểm, chính sách quốc phòng “bốn không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, tiếng nói của Việt Nam – thể hiện trong bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể thứ 2, ngày 30/10 của Diễn đàn với chủ đề “Vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu” của đại tướng Phan Văn Giang – nhất định sẽ lan tỏa rộng rãi hơn trong cộng đồng quốc tế, góp phần làm cho bạn bè thế giới và cộng động quốc tế hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Vậy nên, cái gọi là ông Phan Văn Giang “sang yết kiến đầu não Bắc Kinh” mà Việt Tân tung ra chỉ là luận điệu xuyên tạc cũ rích, không thể lừa được ai.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: