Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

EP, VOA lại thể hiện cái nhìn méo mó về nhân quyền ở Việt Nam

Gần đây, đài VOA tiếng Việt có bài viết với tiêu đề “Nghị viện EU thảo luận cơ chế giám sát nhân quyền, xoáy vào Việt Nam”. Nội dung bài viết không có bất kỳ trích dẫn nguồn nào và cho rằng: “Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Liên hiệp Châu Âu (EU) thảo luận về cơ chế giám sát việc thực hiện Điều khoản Nhân quyền trong các hiệp định với nước ngoài, trong đó nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như là trường hợp điển hình”.



Đây không phải là lần đầu tên Nghị viện Châu Âu (EP) đưa ra những nhận định sai sự thật, thiếu khách quan, thiếu thiện chí về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Nhìn lại quá khứ, một nhóm nghị viên EP đã nhiều lần ban hành phán quyết, thư ngỏ với nội dung không chính xác về tình hình bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn Việt Nam và EU bắt đầu tiến hành đàm phán về hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Điều này đã đi ngược lại lợi ích, mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. Trước vấn đề này, Việt Nam đã tích cực phản hồi, tăng cường trao đổi, đối thoại thông qua các cơ chế hiện có, bao gồm cả song phương và đa phương.

Theo nội dung của thông cáo được đưa ra ngay sau phiên họp, Nghị viện châu Âu cho rằng, Việt Nam nằm trong ba nước có tình hình nhân quyền xấu đi trong những năm gần đây. Thông cáo thể hiện cái nhìn định kiến của một số nghị sĩ, không đúng với thực tế Việt Nam, không phù hợp với quan điểm chung của nhiều chính phủ, đa số nhân dân các nước châu Âu và không có lợi cho quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện với Việt Nam; đồng thời còn là sự bảo trợ, cổ súy cho những hoạt động vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước Việt Nam, chống phá an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Thông cáo vô căn cứ của EP đã được các tổ chức phản động, thù địch nhanh chóng lợi dụng nhằm cản trở quan hệ Việt Nam – EU, gây phương hại đến hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên và không muốn kinh tế Việt Nam phát triển. Ý đồ, hành động đó đi ngược với tinh thần nguyên tắc chung của Liên Hợp Quốc về nhân quyền. Ấy vậy mà VOA tiếng Việt vẫn có thể dựa vào đó để kích động, đặt ra những yêu sách phi lý đối với Việt Nam.

Phải khẳng định rằng, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Việt Nam luôn ủng hộ và chào đón các cơ quan, tổ chức, cá nhân quốc tế đến nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn tình hình nhân quyền trong nước trên cơ sở công bằng, minh bạch, khách quan, tôn trọng lẫn nhau.

Đảng, Nhà nước Việt Nam sẵn sàng đối thoại một cách hết sức cởi mở trên lĩnh vực quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau với cộng đồng thế giới và đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm tốt của đất nước trong đảm bảo quyền con người.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rằng: “Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện với Liên minh châu Âu (EU) và sẵn sàng trao đổi với EU và EP về quyền con người trên tinh thần xây dựng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Hai bên cũng đã có cơ chế Đối thoại nhân quyền thường niên để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm. Việc tăng cường trao đổi, đối thoại thông qua các cơ chế hiện có sẽ giúp EP có đầy đủ thông tin khách quan và hiểu đúng hơn tình hình thực tế về thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, qua đó cùng thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là việc triển khai Hiệp định EVFTA, đang diễn ra tốt đẹp”.

Những năm qua, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, bảo đảm người dân được thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2023. Trong báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 được công bố, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Các vấn đề an sinh xã hội cũng luôn được quan tâm chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới hay của đại dịch Covid-19. Việt Nam đã trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ thế giới và được quốc tế ghi nhận.

Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện quyền con người, quyền công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu năm 2003 cả nước có 15 tổ chức, 06 tôn giáo, 17 triệu tín đồ với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc thì đến năm 2023, Nhà nước đã công nhận 36 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với 26,5 triệu tín đồ, 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến năm 2023, nước ta có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó, có 319 tạp chí khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Số người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Năm 2023, Internet tại Việt Nam đang phát triển mạnh với 77 triệu người dùng (chiếm 79,1% dân số) với gần 71 triệu tài khoản mạng xã hội (~71% dân số).
Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia ký kết và phê chuẩn hầu hết các văn kiện cơ bản bao gồm công ước quốc tế, nghị định thư liên quan đến quyền con người. Việt Nam nghiêm túc, nỗ lực thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ, các cam kết quốc tế, đạt nhiều kết quả trong việc hiện thực hóa các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong hệ thống pháp luật, chính sách và hoạt động thực tiễn.

Đây là những minh chứng thuyết phục cho những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong vấn đề nhân quyền, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Thử hỏi, nếu tình hình nhân quyền của Việt Nam “ngày càng tồi tệ” thì liệu điều này có thể xảy ra hay không?

Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: