Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

4 “KHÔNG” ĐỔI LẤY 4 “CÓ”

Có người nói Việt Nam không chọn bên là kiểu ngoại giao ba phải, đu dây, nhu nhược, không rõ ràng, vô trách nhiệm và như vậy không ai chơi với Việt Nam, khi xảy ra chiến tranh không ai ủng hộ Việt Nam… Nhưng, chỉ trong vòng nửa năm 2023, Việt Nam lần lượt đón Tổng thống Mỹ Biden, Tổng bí thư, chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Đảng “Nước Nga Thống nhất”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev sang thăm.


Chính sách ngoại giao của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, linh hoạt về sách lược nhưng luôn kiên trì về nguyên tắc, thủy chung, chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại. Đây chính là “Cây tre” của Việt Nam, mềm dẻo, thích nghi với thời cuộc nhưng luôn thẳng tắp, không lệch ra khỏi con đường đã chọn.
Trong chính sách quốc phòng, “Cây tre” thể hiện ở việc Việt Nam có thể làm bạn, hợp tác quân sự, mua sắm khí tài với tất cả các nước nhưng luôn kiên trì với nguyên tắc “bốn không”:
1. Không tham gia liên minh quân sự.
Không tham gia liên minh quân sự, bởi quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ. Đường lối quốc phòng với mục đích tự vệ, hòa bình, chính nghĩa, phù hợp với quyền cơ bản của các quốc gia, dân tộc theo nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, mới là điều mà các quốc gia, dân tộc tiến bộ đều đang hướng tới.
Cả lý luận và thực tế thì không thể có và không bao giờ có một quốc gia dân tộc nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác. Do vậy, bảo vệ Tổ quốc phải bằng chính thực lực của mình. Chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc là thiêng liêng và tối cao, không thể phó thác hoàn toàn cho bên ngoài, dù đó là một đồng minh cường quốc.
2. Không liên kết với nước này để chống nước kia.
Việt Nam là đất nước liên tục trải qua các cuộc chiến tranh, chúng ta hiểu rất rõ những đau thương, mất mát mà chiến tranh mang lại và quan điểm của chúng ta rất rõ ràng: Giữa hòa bình và chiến tranh Việt Nam chọn hòa bình; giữa hợp tác và tranh đoạt Việt Nam chọn hợp tác.
3. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác.
Giữa độc lập và phụ thuộc Việt Nam chọn độc lập, Việt Nam không chấp nhận để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, hoặc là sử dụng một phần lãnh thổ Việt Nam để phát động chiến tranh xâm lược nước thứ ba. Lịch sử hiện đại cho chúng ta thấy rõ, nếu có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình, thì chủ quyền, độc lập sẽ bị xâm hại nghiêm trọng đồng thời dễ biến Tổ quốc ta thành mục tiêu tiến công của các thế lực thù địch, khiến đất nước ta khó tránh khỏi bị lôi kéo vào xung đột, chiến tranh giữa các nước.
4. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không phải là Việt Nam tự “trói tay” mình, trái lại, nó có tác dụng “cởi trói” cho chúng ta, cả trong tư duy và hành động, để ta có thể suy nghĩ và hành động một cách độc lập, sáng tạo và không bị chi phối, áp đặt bởi yếu tố bên ngoài, tức không bị người khác “trói” mình. Việt Nam chủ trương không đe doạ hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế. Nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đã nổi lên là một quốc gia có uy tín, có vị thế, là đối tượng cần phải tranh thủ, hợp tác. Khi nhận xét về Việt Nam có một câu nói vui như sau: Việt Nam là một “Tiểu bá vương”, quan hệ thân thiết với tất cả mọi người, chơi với tất cả các anh lớn, rất hiền lành nhưng cũng rất mạnh mẽ, có thể làm sứt đầu mẻ trán bất cứ ai cố tình gây chuyện.
Tất cả những điều trên mang lại cho Việt Nam “bốn có”: CÓ HOÀ BÌNH, CÓ ĐỘC LẬP, CÓ TỰ DO, CÓ HẠNH PHÚC.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: