Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

YÊU NƯỚC VÀ HỌC LỊCH SỬ?

Trong khi dư luận và cộng đồng mạng xã hội những ngày qua đang có những tranh luận xung quanh việc Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định trong niên khóa 2022-2023 tới đây đối với học sinh lớp 10, môn học lịch sử sẽ được đưa vào tổ hợp các môn học tự chọn, thì mới đây những phát ngôn của Vũ Khắc Ngọc, được cho là một thầy giáo dạy Hóa nổi tiếng trên mạng xã hội đã và đang gây tranh cãi trên cộng đồng mạng khi bàn luận về ủng hộ chủ trương về đưa môn lịch sử thành môn học tự chọn và đồng thời đưa ra những quan điểm về yêu nước và học lịch sử.


Theo đó, Vũ Khắc Ngọc đã cho rằng: "Năm 1945, 90% người Việt Nam mù chữ và đương nhiên không được học môn Lịch Sử nhưng Cách mạng tháng 8 vẫn diễn ra thành công và không ai dám nghi ngờ về "lòng yêu nước" của người Việt Nam khi đó". Vũ Khắc Ngọc còn cho biết thêm, việc dạy lịch sử bắt buộc không cần thiết nữa, vì chưa chắc dạy lịch sử đã khiến con người ta yêu nước. Để minh chứng cho điều đó, Vũ Khắc Ngọc còn dẫn chứng rằng không ai có quyền cười chê việc học sinh nói Nguyễn Huệ - Quang Trung là hai anh em, vì bản thân họ cũng chưa chắc đã biết đến những kiến thức lịch sử khác và còn cho rằng: "Xung quanh tôi đầy người không thuộc lịch sử, cũng chẳng yêu môn Lịch sử nhưng họ rất yêu nước. Ngược lại, trên facebook, tôi biết khối anh rất giỏi sử nhưng chưa chắc đã yêu nước theo cách mọi người vẫn hiểu".

Thậm chí khi bị cộng đồng mạng và xã hội vào bình luận về vấn đề này trên trang facebook cá nhân, Vũ Khắc Ngọc đã cho rằng “Muốn ép học sinh học Sử, thuộc Sử thì không khó. Như đây là 1 VD, học sinh lớp 9 của Hà Nội chỉ mất 2 tháng học Sử là điểm thi ngon luôn. Sử vốn là môn dễ học, tự học, tự đọc được. SGK Lịch sử đọc 3 ngày là thuộc làu. Nhưng ép để làm gì? Vì chắc chắn sau khi thi chỉ vài tuần là các cháu lại quên hết cả?! Và xin nhắc lại là “thuộc Sử” với “lòng yêu nước” là 2 câu chuyện khác nhau”.

Khi bàn về quan điểm đưa môn lịch sử thành một môn học trong tổ hợp các môn học tự chọn, việc có những quan điểm, ý kiến trái chiều về vấn đề này là câu chuyện dễ hiểu và tùy theo cách tiếp cân, lý giải của mỗi người. Vậy nhưng dưới góc độ là một Thầy giáo được cho là nổi tiếng trên cộng đồng mạng xã hội như Vũ Khắc Ngọc lại đưa so sánh khập khiễng việc học lịch sử giữa thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với hiện tại hay việc cho rằng lịch sử và yêu nước là hoàn toàn khác nhau và bị dư luận, cộng đồng mạng lên án, gây tranh cãi trên mạng xã hội là điều dễ hiểu. Là thầy giáo, mặc dù là chuyên môn về môn Hóa học nhưng những phát ngôn trên mạng xã hội của Vũ Khắc Ngọc về vấn đề môn lịch sử như vậy thì liệu những thế hệ học trò sẽ như thế nào khi nhìn nhận về vị trí, vai trò của môn Lịch sử đối với bản thân mỗi con người Việt Nam cũng như họ hiểu gì về lòng yêu nước đây?

Thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân ta đa số là mù chữ, vậy nhưng không đồng nghĩa với việc mù chữ là không biết lịch sử, không biết về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các thế hệ cha anh đi trước. Không biết viết, biết đọc, nhưng họ còn có đôi tại để nghe những trí thức yêu nước truyền đạt về lịch sử dân tộc, có đôi mắt để nhìn thấy sự tàn bạo của chiến tranh, của bọn xâm lược đế quốc, thực dân. Không những thế mà có người không biết chữ, biết viết mà vẫn kể vanh vách về các sự kiện lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước, có những người không biết chữ, biết viết nhưng họ vẫn thuộc cả quyển truyện Kiều.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người lãnh tụ vi đại của dân tộc Việt Nam ta cũng đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Không học môn lịch sử, không biết gì về lịch sử dưng nước, giữ nước của dân tộc, không biết ai là anh hùng dân tộc, kẻ nào là tội đồ của đất nước thì liệu lòng yêu nước, thứ tình cảm thiêng liêng nhất dành cho quê hương, Tổ quốc sẽ được nuôi dưỡng từ đâu thưa “thầy giáo” Vũ Khắc Ngọc? Phải chăng tình yêu đó sẽ nuôi dưỡng từ môn Hóa học của thầy chăng?

<Tống Giang>
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: