Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

ĐỌC GIÙM BẠN: MẶT PHẢI, MẶT TRÁI

Đã có vài lần tôi nói về chuyện hai mặt của một sự việc, trong đó tôi nói rằng ai thích mặt nào thì cứ khoét sâu vào mặt đó để khen hoặc để chê.



Xin hỏi một câu tổng quát – thể chế chính trị hiện tại của nước ta là tốt hay xấu. Tôi và các bạn của tôi trên facebook thì bảo tốt, song có hai hạng người bảo xấu. Thứ nhất đó là những người đã vì thù hận mà bỏ nước ra đi; thứ hai đó là những người có điều gì đó bất mãn với chế độ này, tỷ như không đạt được yêu cầu của cá nhân hoặc gia đình. Hai đối tượng này thì chẳng bao giờ hết được.

Xin được hỏi mọi người, có vật gì mà chỉ có một mặt? Có thể ai đó sẽ nói rằng, loài động vật chỉ có một mặt đó thôi! Vậy thì người đó nhầm, bộ mặt của con người chỉ là bề ngoài dùng để che dấu hai bộ mặt thật bên trong – mặt thiện và ác.

Nhà bác học Marie Curie là người đầu tiên đã phát hiện ra phóng xạ. Bà cứ nghĩ phát minh của mình sẽ giúp cho sự tiến bộ của loài người. Bà đâu có ngờ, sau đó một người Mỹ có tên là Robert Oppenheimer đã dựa trên kết quả nghiên cứu đó mà cho ra hai quả bom nguyên tử ném xuống nước Nhật, giết chết hơn hai trăm ngàn người. Chính người này sau đó đã nhận ra sai lầm của mình thì đã muộn, ngày nay ở lục địa nào cũng có bom nguyên tử. Đó là mặt tốt, bên cạnh đó lại có một mặt xấu.

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, ngoài những thứ trở nên quá thông thường như smartphone, internet…, năm nay chúng ta đã bước sang kỷ nguyên trí tuệ thông minh. Những thành tựu ấy đã giúp ích cho con người rất nhiều mà ai cũng nhận ra, đó là mặt tốt. Nhưng cũng vô số kẻ đã lợi dụng những thành tựu đó để thực hiện các vụ lừa đảo dẫn đến mất tài sản và cũng đã có án mạng sảy ra. Đó là mặt trái của một thành tựu.

Mấy hôm vừa qua (28/03/2023), ông Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời 120 lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ. Có thể nói dân chủ cũng có đôi ba đường – dân chủ ‘this’ và dân chủ ‘that’. Dân chủ mà chính quyền Mỹ luôn tuyên truyền rầm rộ, thậm chí những quốc gia nào mà không thích loại dân chủ kiểu Mỹ thì Mỹ có thể dùng bom đạn để buộc quốc gia đó phải chấp nhận. Khi được hỏi một chính trị gia nào đó, rằng dân chủ là gì, một điều chắc chắn rằng, những chính trị gia chân chính sẽ nói, đó là tạo điều kiện để cho dân được làm chủ.

Người dân Mỹ có phải là “chủ nhân ông” của nước Mỹ không? Chưa chắc ạ! Chỉ một câu hỏi thôi, ở Mỹ tài nguyên quốc gia thuộc về ai? Về những ông chủ, những nhà tài phiệt, những người này mới thực sự là chủ, còn người dân chỉ là người làm thuê. Còn những thứ như tổng thống, thống đốc, nghị viên gì gì đó đều là những người có tiền, người không tiền thì những chiếc ghế đó không thuộc về họ.

Những người sùng bái nền dân chủ Mỹ thì coi đó là mặt tốt của chế độ, và họ mong ước được sống ở đó. Xin mời! Tùy ý thích của mỗi người thôi. Bản thân tôi không sống ở các nước được gọi là “dân chủ” nên tôi miễn có ý kiến. Có điều, chẳng hiểu tại sao, trong một xã hội như vậy mà số người chết vì súng đạn, số người chết đói, số người sống trên vỉa hè nhiều thế. Và nếu chính quyền ở đó “của dân, do dân và vì dân” thì làm gì mà tỷ lệ tín nhiệm với tổng thống của mình cứ năm sau giảm hơn năm trước; sang năm thứ hai, mức độ tín nhiệm của dân đối với ngài đương kim tổng thống chỉ còn khoảng 40%. Trong khi một nước độc tài như nước Nga, tỷ lệ này giành cho ông Putin vào đầu năm nay là trên 80% cơ đấy.

Rõ ràng nhé. Ai thích dân chủ ‘this’ thì nó sẽ là mặt tốt, còn dân chủ ‘that’ thì xấu. Bảo rằng đã là dân chủ thì nội hàm của nó phải như nhau. Không có đâu ạ. Dân làm chủ thì khác mà các nhà tài phiệt làm chủ lại khác. Đó là hai mặt phải-trái, sáng-tối, không lẫn lộn được đâu, đôi khi dân chủ chỉ là chiêu bài che đậy những toan tính chính trị, bởi thế nên mới có chiến tranh.

Đương nhiên, ban ngày được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, song đôi khi có những đám mây đen kéo qua cũng làm cho mặt đất tối lại, song đó chỉ là tạm thời, bản chất của ban ngày vẫn rất khác so với ban đêm. Thể chế chính trị của nước ta cũng vậy, đôi khi làm cho người dân bức xúc vì chuyện này chuyện nọ, song bản chất thì tốt. Tôi nói vậy thôi, còn thế nào, mức độ ra sao thì tùy vào cách nhìn của mỗi người./.

Ngày 15/05/2023

(Phạm Tiến Khoa)
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: