Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ, cạm bẫy khi tiếp xúc với mạng internet, tránh cho các em khỏi các hình thức xâm hại và tạo một môi trường mạng internet an toàn, lành mạnh không còn là chuyện của mỗi cá nhân trong xã hội.


Trong thời đại công nghệ, việc tiếp xúc với máy tính, thiết bị thông minh kết nối mạng internet là tất yếu. Việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ em tìm hiểu những kiến thức phục vụ học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức chủ động và linh hoạt. Mạng xã hội ngày nay hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt với trẻ em, bởi nó là cái kho khổng lồ chứa đựng các hình thức giải trí, có lượng kiến thức đa dạng, nội dung hấp dẫn và mới mẻ, đồng thời có thể kết nối bạn bè, chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích thì mạng xã hội cũng chứa đầy những rủi ro tiềm ẩn nếu chúng ta không kiểm soát được, đặc biệt với đối tượng là trẻ em còn rất non nớt, chưa biết cách chọn lọc thông tin, tự bảo vệ mình. Ngoài những nguy cơ mà trẻ dễ gặp phải như bị rối loạn tâm trí, nghiện game, nghiện Facebook, sa lầy vào thế giới ảo khiến trẻ bị hạn chế giao tiếp, xa rời tình cảm và cuộc sống thật, trẻ em cũng dễ dàng bị bắt nạt trực tuyến, lừa gạt, dụ dỗ, xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng, hoặc bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật theo các video bạo lực, khiêu dâm. Và những “cạm bẫy” từ internet, mạng xã hội đã đưa đến khá nhiều vụ việc đau lòng.

Theo thống kê của UNICEP, 92% trẻ em Việt Nam có sử dụng thiết bị kết nối internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hàng ngày. Một nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Khu vực châu Á có rủi ro xâm hại trẻ em trên mạng là cao nhất với 33%. Chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy, tập huấn về đảm bảo an toàn trên mạng dưới một số hình thức.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, trong đó có nguyên nhân từ việc trẻ chưa đủ kiến thức để nhận thức hết được mối nguy hại khi tham gia trên môi trường mạng, từ đó chưa có cách để phòng, tránh, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật. Các em chưa có được quan tâm sát sao của gia đình, nhà trường trong việc trang bị những kiến thức khi tham gia môi trường mạng. Trong khi đó, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta hiện còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu các cách thức nhận dạng, cảnh báo cho trẻ em về những rủi ro, hệ lụy, hệ quả khi tham gia mạng xã hội; thiếu thiết bị kiểm tra, giám sát, hạn chế và ngăn chặn các hình ảnh phản cảm, bạo lực trên internet đối với trẻ em.

Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn là rất cần thiết, mà theo Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam, đó “vaccine số” dành cho những “công dân số nhí”. “Vaccine số” sẽ là một quá trình tiếp thu, học hỏi, từ kiến thức đến nhận thức và trở thành các kỹ năng hoạt động, ứng xử trên môi trường mạng; từ các hành vi văn hóa cho đến những hành vi cảnh giác như tự bảo vệ mình.

Thực tế chỉ ra rằng, sự việc đau lòng thường hay xảy ra ở những gia đình ít quan tâm đến con cái. Do đó, quan trọng hơn cả, bản thân những người làm cha mẹ cần nhận thức rõ những nguy cơ khi con em mình tiếp xúc với không gian mạng, có biện pháp quản lý, kiểm soát, bảo vệ con em mình trước những nguy cơ mà mạng xã hội có thể mang lại. Gia đình chính là hạt nhân của các giải pháp. Xin đừng để sự những việc đau lòng như trường hợp bé gái lớp 6 ở Bắc Giang sinh con trong nhà tắm do có quan hệ với bạn trai mới quen trên mạng nhưng bố mẹ không biết. Xin đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Mỗi đứa trẻ đều là niềm tin, hy vọng; mọi cố gắng, phấn đấu của chúng ta đều để có một thế hệ tương lai tốt đẹp. Mỗi bậc phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức phù hợp để bảo vệ người thân, con cái của mình trên không gian mạng./.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: