Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

NỖI ÁM ẢNH CỦA CHIẾN TRANH

Liệt sĩ Phạm Văn Hanh trở về trong vòng tay mẹ sau 38 năm lang thang khắp nơi. Năm 1972, tại mặt trận Tây Nguyên, ông Hanh bị trúng bom sau một trận càn. Đồng đội tưởng rằng ông đã chết và gửi giấy báo tử về cho gia đình. Nhưng ông vẫn còn sống, ông được một già làng người dân tộc tìm được, cứu sống và chăm sóc. Nhưng ông hoàn toàn không nhớ gì về bản thân cũng như gia đình... Thi thoảng, kí ức có quay trở lại những cũng trôi qua rất mau, nhớ rồi lại quên, quên rồi lại nhớ.


Sau đó vài năm, già làng qua đời và ông sống vất vưởng, ai thuê gì làm đó, ông cho ở đâu thì ở, lúc thì ở nương rẫy, khi thì ở một căn nhà lán... Đám trẻ thi thoảng lại trêu ông là "ông điên, ông khùng". Chúng không biết được rằng cái ông điên khùng ấy đã đánh đổi cả một cuộc đời cho đất nước như thế nào... Hòa bình và thống nhất, nhưng người cựu binh già vẫn sống những ngày tháng chênh vênh...

Sau mấy chục năm, ông được gia đình tìm thấy và đưa về nhà. Mẹ ông khi đó đã hơn 80 tuổi, bà sờ nắn cậu con trai đã thất lạc mấy chục năm. Bà khóc vỡ òa nhưng ông Hanh lại không nhận ra mẹ, cứ hành xử ngây ngô...

Được trở về nhà, ông Hanh vẫn hay bị giật mình. Có lúc đang ngủ, ông vùng chạy ra ngoài sân và hô lên "có bom, có bom" cho tất cả mọi người nghe thấy, ông giục mọi người đi tìm hầm trú ẩn và đi loanh quanh tìm gậy, con dao. Vậy nên tối nào, gia đình ông cũng phải khóa trái cửa lại...

Sau mấy mươi năm, ông Hanh được xác định bị bệnh tâm thần do ảnh hưởng từ hậu quả chiến tranh. Ông được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và Xã hội Hải Dương. Điều đáng nói là có rất nhiều người như ông, những người cựu chiến binh từng vào sinh ra tử vì đất nước, vì những lý do khác nhau lại sống những ngày tháng cuối đời lặng lẽ ở những trung tâm tâm thần...

Tháng tư lại về....
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: