Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

NHÀ THƠ QUANG DŨNG KHƯỚC TỪ LỜI CHÀO BÁN THƠ ĐỔI CHIẾC HONDA: VĂN CHƯƠNG CHỮ NGHĨA RẺ RÚNG ĐẾN THẾ Ư?

Thi phẩm “Tây Tiến” của Quang Dũng là bài thơ có sức sống trường kỳ, giữ được niềm yêu thích của độc giả kể từ lúc ra mắt cho tới hiện tại. Khi mới xuất hiện trên văn đàn, “Tây Tiến” đã gây tiếng vang rất lớn với nét hào hoa trong từng câu chữ nói về đoàn quân “xanh màu lá”. Đây cũng là bài thơ duy nhất viết về người lính miền Bắc được những người lính cộng hòa miền Nam vô cùng yêu thích, thậm chí có nhiều nhà xuất bản dưới thời này đã cho in hàng loạt bài thơ. Mỗi lần in sách xong, nhiều người hâm mộ gửi đến biếu tận nơi, nhưng nhà thơ Quang Dũng đều đem đốt hết để tránh bị hiểu nhầm.



Thậm chí, sau khi đất nước thống nhất, có hôm Quang Dũng nhận được thư từ một người hâm mộ chính hiệu đồng thời cũng là tỷ phú đất Sài Gòn. Trong thư, ông này bày tỏ muốn đài thọ toàn bộ một chuyến đi vào Sài Gòn để Quang Dũng viết tặng ông ta một bài thơ Tây Tiến treo ở bàn làm việc. Đáng lẽ ra, Quang Dũng cũng sẽ “chẳng phụ một tấm lòng tri kỷ trong thiên hạ”. Vậy mà, cuối lá thư, ông tỷ phú nọ lại dại dột tái bút như sau: “Nếu được ông chiếu cố vào viết tặng cho bài thơ “Tây Tiến” thì thù lao chí ít cũng phải là một chiếc Honda. Ngoài ra, nếu ông có thể tặng thêm cho vài câu thơ khác thì số quà tặng còn giá trị hơn rất nhiều”. Đọc hết lá thư, nhà thơ Quang Dũng cười nhạt mà nói: “Văn chương chữ nghĩa rẻ rúng đến thế ư?” rồi bỏ bẫng câu chuyện trong mớ ngẫu sự thường ngày.
Quang Dũng lựa chọn sống một cuộc đời thanh bạch, tránh xa những giá trị vật chất mà ông coi là tầm thường. Năm 1960, có một phái đoàn văn hóa nước ngoài sang thăm Việt Nam nhất định muốn đến thăm tư gia của tác giả bài thơ “Tây Tiến”. Ngặt nỗi, căn nhà của ông ở số 91 Lý Thường Kiệt lại có chút… tồi tàn nên cơ quan đành “tạm” chuyển ông tới một căn nhà khác ở 51 Trần Hưng Đạo, nay là trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho đẹp mặt.
Những mẩu chuyện xung quanh bài thơ có sức hút lạ kỳ và người nghệ sĩ hào hoa mà bình dị ấy gợi mở cho ta thật nhiều cảm nhận, suy tưởng. Thế mới thấy, cốt cách cao thượng của những bậc văn nhân xưa vẫn thật có lắm điều để ta ngưỡng mộ, học hỏi.
Theo Báo An ninh thế giới.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: