Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

KHI NHỮNG CHIẾC “MẶT NẠ” ĐÃ RƠI!

Trung Quân

Những ngày gần đây, mạng xã hội tiếp tục “nóng” vụ việc Huấn “hoa hồng” đối mặt với các hình phạt của pháp luật về hành vi cắt ghép clip phóng sự của VTV. Mặt khác, trước đó Huấn còn vướng lùm xùm đánh đập vợ và hai lần bị bắt vì dương tính với ma túy. Như vậy, Huấn “hoa hồng” tiếp tục nối gót các “hiện tượng mạng xã hội như Khá Bảnh, Quang Rambo, Trần Đình Sang, Phúc XO… đã vướng phải vòng lao lý do có những hành vi vi phạm pháp luật. Từ thực tế trên, chúng ta thấy điều gì?

Trước hết, có thể khẳng định “hiện tượng mạng xã hội”, “giang hồ mạng” đã hết thời đất để sống. Đặc điểm chung của những đối tượng trên đều xuất thân là “dân anh chị” ngoài xã hội, có quá khứ phạm tội hoặc có nhiều mối quan hệ phức tạp nhưng thường xuyên quay clip, livestream khoác cho mình những chiếc “mặt nạ” hào nhoáng, dạy đời một cách tầm phào, thậm chí có những phát ngôn gây “sốc” (đa phần là vô văn hóa). Đương nhiên không phải ngẫu nhiên mà các đối tượng thi nhau lên sóng như “nấm mọc sau mưa”. Bởi lẽ, chúng làm để tạo “thương hiệu”, khẳng định đẳng cấp trong thế giới ngầm và vì tiền. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ còn hạn chế về nhận thức, khả năng nhận biết, phân biệt tốt xấu, đúng sai; đặc biệt tâm lý bầy đàn, a dua trong một số bộ phận học sinh, sinh viên đã coi những kẻ tầm phào trên thành “thần tượng”. Nhưng hiện tại, khi những “mặt nạ” hào nhoáng của các đối tượng trên bị bóc xuống thì có lẽ chúng đã dần hết thời, chỉ còn là những “con thỏ” hiền lành trước vành móng ngựa.

Thứ hai, việc xử lý các đối tượng trên cho thấy sự hiệu quả của ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua, đặc biệt là Luật An ninh mạng. Cụ thể như: việc Huấn giả mạo thông tin của VTV trên mạng xã hội, đưa tin sai sự thật là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật an ninh mạng; hành vi này đã gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, các văn bản pháp luật thực sự là nền tảng để các cơ quan chức năng xử lý những đối tượng “giang hồ mạng”. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo sự lành mạnh trong thông tin mạng và giảm bớt những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên và những người sử dụng mạng xã hội.

Chính vì vậy, thiết nghĩ việc những kẻ bặm trợn đeo những chiếc “mặt nạ” của sự thích khoe khoang cuộc sống hào nhoáng, thể hiện qua gia nhập giang hồ, những cuộc ăn nhậu, đi bar, khoe tiền chăm xuất hiện trong các video clip tự sản xuất về đời sống ngoài vòng pháp luật đã đến lúc kết thúc và trả lại sự trong sạch cho không gian mạng. Đã đến lúc hiện tượng những chiếc “mặt nạ” chấm dứt; những ai đang và sẽ có ý định dùng những chiếc “mặt nạ” nhơ nhớp ấy thì nên có sự cảnh tỉnh không lại lao vào vòng lao lý!
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: