Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

CÓ PHẢI NHÂN QUYỀN LÀ TRÊN HẾT?

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền, để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; chúng ra các “thông cáo”, “nghị quyết”, “báo cáo”, “bản điều trần”, “thư ngỏ”… xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền”, đàn áp tôn giáo, đàn áp những người “bất đồng chính kiến”; gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ” đối với Việt Nam. Chúng coi đây là một trong những đòn “đột phá khẩu” để tấn công hòng phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, làm suy yếu, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đáng chú ý, hai tổ chức “Liên đoàn quốc tế nhân quyền” (FIDH) và “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam” (VCHR) đã soạn thảo và gửi lên “Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc” cái gọi là “bản điều trần” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong đó chúng cho rằng “quyền con người là trên hết”, nhưng Việt Nam đã không thực hiện các cam kết bảo vệ nhân quyền mà thậm chí đã tăng cường đàn áp những người hoạt động nhân quyền “một cách trắng trợn”.


Vậy, có phải nhân quyền là trên hết ?

Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Có thể khái quát, quyền con người là các quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.

Một đặc trưng quan trọng của nhân quyền đó là: Nhân quyền mang tính phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, văn hóa, quốc gia, dân tộc, tôn giáo… là bản chất của quyền con người. Nhân quyền còn mang tính không thể chuyển nhượng, vì nó thuộc sở hữu vốn có của con người; không phải là sự ban phát hay tùy tiện tước đoạt. Mọi giới hạn, hạn chế hay tước bỏ quyền của một cá nhân đều phải do pháp luật quy định và chỉ nhằm để bảo vệ lợi ích chính đáng, tương xứng của cộng đồng hay của cá nhân khác…

Quyền con người không phải là một khái niệm tuyệt đối và trong một số trường hợp cần phải được hạn chế nhằm đảm bảo trật tự xã hội. Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966), một số quyền có thể bị giới hạn vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, quyền và tự do của người khác ngay cả quyền được sống, quyền tự do đi lại, cư trú, quyền lập hội…

Ở Việt Nam, trên cơ sở các Công ước quốc tế về quyền con người và những yêu cầu thực tiễn Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Khoản 2, Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”.

Qua đây cho thấy: Quyền con người là quyền tự nhiên của con người, không phải sự ban phát của bất kỳ một lực lượng, tổ chức, cá nhân nào và cũng không thể tùy tiện bị tước đoạt. Nhưng, quyền con người, ngay cả quyền sống, quyền tự do đi lại, quyền cư trú, quyền tự do lập hội… cũng đều bị hạn chế bởi pháp luật của một quốc gia cụ thể dựa trên những nguyên tắc, thực tiễn quốc gia đó về việc bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ người khác và cộng đồng.

Vì vậy, luận điệu cho rằng: “Nhân quyền là trên hết” chỉ là sự ngụy biện, đánh tráo khái niệm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị rêu rao nhằm đạt được mưu đồ, thủ đoạn chống phá của chúng. Chúng ta, những công dân chân chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần nhận thức rõ vấn đề này và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch để bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà chúng ta đang thụ hưởng trên cơ sở hiểu biết và thực thi theo đúng hiến pháp, pháp luật./.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: