Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

SỐNG KHỎE ĐỂ LÃNH ĐẠO

“Đến giữa năm 1966, sau một chuyến đi địa phương về, Bác bị rối loạn tuần hoàn não, bị liệt nhẹ nửa người bên trái.
Năm 1967, mắt trái của Người bị mờ, có hiện tượng chảy máu đáy mắt, tay trái nắm không được vững, tiếng nói yếu, giọng bị khản. Bác sĩ kiểm tra thấy họng của Bác bị đứt một tia máu nhỏ. Đồng chí Vũ Kỳ đã kể: Vào năm 1967, có hôm Bác cầm cốc nước thì tự nhiên cốc nước rơi vỡ. Anh em nghĩ là có lẽ Bác nhỡ tay. Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ không phải nhỡ tay đâu, mình cảm thấy cái tay của mình không điều khiển được".

"Đồng chí Hoàng Hữu Kháng lại kể: Năm 1967, Bác bị đau thần kinh tọa, phải chống gậy đi, nhưng khi làm việc với các đồng chí Trung ương, các đồng chí vẫn không biết Bác bị đau, vì Bác không để lộ ra là mình yếu…"

"Những năm cuối đời, Bác yếu đi nhiều, khi Bác tiếp khách, chúng tôi phải dìu. Bác phải chống gậy, nhưng lúc đến gần địa điểm thì Bác bảo chúng tôi lui ra để Bác tự vào. Hôm Bác đi xem pháo bình bắn tập ở Ba Vì, phải leo lên đồi mới xem được, tôi đưa tay để Bác vịn đi lên, khi lên vẫn không ai biết là Bác mệt. Những ngày cuối Bác còn đến thăm phái đoàn cán bộ mới ở Hội nghị Pari về, cách đó chỉ hai mươi ngày trước khi Bác mất, Bác vẫn vui vẻ, vì vậy mọi người trong đoàn không biết là Bác đã yếu…”.

Trên đây là một trích đoạn trong bài viết về sức khoẻ Bác Hồ, được đăng trên trang điện tử chính thức của Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Cũng giống như mọi người sinh ra trên trái đất, Bác Hồ cũng phải ở trong vòng quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Vì nhận thức được quy luật ấy, nên từ khi 75 tuổi, vào dịp sinh nhật, Người đã bắt đầu viết Di chúc “để lại mấy lời”, “phòng khi tôi phải đi theo các cụ Các Mác – Lê Nin”.

Những năm tháng cuối đời, Bác Hồ vẫn miệt mài làm việc, nhưng vì lo cho sức khoẻ của Bác, nên các đồng chí trong Bộ Chính trị có ý dành nhiều thời gian cho Bác nghỉ, tránh báo cáo với Bác nhiều công việc, đặc biệt là các công việc, sự kiện có thể gây xúc động lớn, đột ngột đối với Người.

Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Quốc dân, ngày 23-10-2018, tân Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Trình độ, năng lực, hạn chế của tôi là rất rõ. Sự hiểu biết không đáp ứng được yêu cầu. Thực tình là rất lo. Trong khi đó tuổi tác thì đã lớn rồi. Bác Hồ cũng đã nói rồi, tuổi càng cao, sức khỏe càng thấp, điều đó không có gì lạ. Tôi luôn chuẩn bị sẵn tinh thần”.

Nếu như phần nhận về “trình độ, năng lực” là sự khiêm tốn của người Lãnh đạo có uy tín, thì phần đề cập đến sức khoẻ là rất chân thành. Đấy cũng là lẽ thường tình.

Những ngày vừa qua, khi có thông tin về việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bị mệt trong chuyến đi công tác, tôi có viết tút, nói rất rõ rằng kính mong bác Trọng khoẻ và đồng thời mong Bác sớm được nghỉ ngơi. Trong tus này, tôi cũng có thêm một mong mỏi nữa, là đất nước có thể chế tốt để dựa vào, tránh tình trạng phải dựa vào một cá nhân lãnh đạo.

Mong muốn ấy, cũng như tôi từng mong ông bà bố mẹ tôi không phải lao lực khi tuổi cao, sức yếu.

Bất cứ ai theo dõi tình hình đất nước trong thời gian qua thì cũng đều biết rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải chỉ đạo, điều hành với khối lượng công việc vô cùng lớn, hết sức căng thẳng. Với một người đã cao tuổi (bằng tuổi Bác Hồ khi Người bắt đầu soạn Di chúc), thì khối công việc to lớn ấy là một gánh nặng.
Nguồn: Lê Kiên
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: