Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

AI LÀ ĐỒNG MINH VỚI TRUNG QUỐC?

Hình như không có. Ngay khi khối Warsava còn và phe XHCN chưa sụp đổ thì Trung quốc, dù là nước XHCN song vẫn kéo bè, kéo cánh để tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô, song họ đã thất bại vì không một nước XHCN nào muốn bị làm cho phe mình bị suy yếu.


Trên thực tế Mỹ đang dẫn đầu một liên minh toàn cầu lớn hơn để chống lại Trung quốc. Một cái vòng luẩn quẩn, đó là Mỹ giúp Trung quốc lớn mạnh lên sau cú bắt tay tại Thượng Hải, và sau cú giúp Trung quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, để họ có thể đặt một chân lên biển Đông. Bây giờ chính Mỹ lại lên án điều đó, chính Mỹ lại dẫn đầu liên minh để chống lại Trung quốc.

Như trong bài “ai thắng ai” tôi đã nói, Mỹ có nhiều liên minh, nhiều đồng minh, nhiều sức mạnh hơn, trong khi Trung quốc chẳng có đồng minh, chẳng có liên minh, cũng chẳng có bạn bè, vậy làm sao thắng?

Chúng ta thử điểm lại, những nước từng là bạn bè và đồng minh với Trung quốc, ngày nay còn ai? Ngoài Bắc Triều tiên – một đất nước huyền bí, không thể nói gì được, song chắc chắn một điều, họ phải dựa vào Trung quốc. Ai nữa? Campuchia. Cũng có thể, “thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, câu ngạn ngữ thời đại ngày nay. Có lẽ Campuchia còn gắn bó với Trung quốc hơn cả Triều tiên ấy chứ. Và còn ai nữa? Philippines. Người lãnh đạo Philippines thường sớm nắng chiều mưa, bất định. Vì thế Mỹ cũng dè chừng mà Trung quốc cũng không quá vồ vập. Pakistan? Đúng, nhưng quốc gia này cũng có chuyện ngậm bồ hòn làm ngọt, như vụ UAV mua từ Trung quốc.

Còn những nơi khác như Italy, như Thổ Nhĩ kỳ, như Ukraina, như Venezuela và nhiều nước châu Phi khác. Những nơi này, có khi hoặc là vỏ Trung quốc nhưng ruột Mỹ như Italy, Thổ Nhĩ kỳ, như Ukraina. Hoặc vỏ Trung quốc nhưng ruột Nga như Venezuela, các nước châu Phí và Trung đông. Vậy thì, nếu có biến thì Trung quốc có những đồng minh nào cùng chia lửa? Không có ai!

Chính quyền trước đây của Panama do ông Juan Carlos Varela làm tổng thống, đã liên kết rất chặt chẽ với Trung quốc, hai nước đã ký gần hai chục thỏa thuận, có thể nói giúp Trung quốc kiểm soát kênh đào Panama mà Mỹ trao lại cho chính phủ nước này vào năm 1999, thậm chí Trung quốc còn định xây dựng một đại sứ quán của mình trên kênh đào và xây dựng một đường cao tốc nối Panama với Trung quốc. Song nay đã thay đổi khác, chính phủ mới của Panama do ông Laurentino ‘Nito’ Cortizo đứng đầu, đã sổ toẹt những gì mà chính phủ trước đã thỏa thuận.

Còn với Nga thì sao? Nga không phải là đồng minh của Trung quốc vì giữa hai nước vẫn còn tranh chấp về lãnh thổ, mà Trung quốc luôn là bên khơi mào trước. Gần đây Trung quốc bắn tin muốn mua động cơ máy bay NK-32 dùng cho máy bay vận tải khổng lồ TU-160, nhưng Nga đã từ chối vì vấn nạn sao chép ăn cắp công nghệ mà Trung quốc có truyền thống.

Còn Mỹ thì thôi. Riêng cái chiến lược Thái Bình dương – Đại Tây dương Mỹ đã có hàng tá đồng minh nào là Anh, Pháp, Đức, Canada; nào là Ấn, Nhật, Úc, Tân tây lan. Còn Đài Loan của bà Thái Anh Văn nữa. Về mặt chính thức thì Mỹ công nhận chính sách một Trung quốc, song cả Mỹ và Pháp đều đi đêm với Đài Loan, cung cấp đủ thứ, nào máy bay, nào tên lửa, nào sĩ quan huấn luyện, rồi thì là tàu chiến của mấy nước thù địch với Trung quốc cứ lượn lờ quanh eo biển Đài Loan.

Đó là đối ngoại. Còn đối nội cũng có nhiều chuyện lắm. Nào Tân cương, nào Hongkong, nào xây dựng xã hội Trung quốc theo mô hình “Thịnh vượng chung”, một kiểu xã hội XHCN mang màu sắc Trung quốc. Dù sao đây cũng mới chỉ là ý tưởng do ông Tập Cận Bình đưa ra. Trung quốc chủ trương, những người giàu trước giúp người giàu sau đã làm cho những nhà giàu Trung quốc lo lắng.

Theo Viện nghiên cứu Credit Suisse, hiện 1% người siêu giàu ở Trung quốc, sở hữu 31% tài sản của cả nước, năm 2000 mới chỉ chiếm 21%. Chưa biết rồi đây, chính sách này sẽ gặt hái được những gì, vừa qua những chuyện ồn ào chung quanh tập đoàn Alibaba của Jack Ma có lẽ là một phép thử. Có thể sắp tới sẽ là Tencent hay gì gì đó. Bạn đọc đến đây thì cũng đừng khen hay chê vội. Mình không biết rõ hoàn cảnh cụ thể của họ nên không thể có ý kiến chính xác.

Chỉ có điều, do hoàn cảnh nước ta, nên chính sách giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội có khác. Ta chủ trương “cho cái cần câu chứ không cho con cá” và “xây dựng nông thôn mới”, rồi “nông thôn mới nâng cao”, rồi “nông thôn kiểu mẫu”. Như vậy, chúng ta đã gặt hái được một ít thành công.

Nói về đối chiếu chính sách giữa hai nước Trung – Việt hơi bị sa đà.

Mong các bạn thông cảm. Còn đối ngoại, chúng ta không có nhiều tiền để mua lòng người, chúng ta chỉ có tấm lòng “làm bạn với tất cả”. Có bạn chắc sẽ có bè, sẽ có liên minh hoặc đồng minh một khi tổ quốc bị xâm phạm. Chúng ta không bỏ bạn bè trong cơn hoạn nạn, chắc bạn bè cũng không nỡ bỏ chúng ta. Phải không bạn nhỉ?

Tất cả những điều tôi nói ở trên không phải xuất phát từ kiến thức của tôi, nên chuyện đúng hay sai thì tùy sự nhận biết hay quan điểm của bạn mà thôi, bạn nhé!./.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: