Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

XUNG QUANH CÂU CHUYỆN MỘT SỐ CHA MẶC ÁO DÀI KHĂN ĐÓNG ĐỂ TIẾN HÀNH THÁNH LỄ

Anton Bình An

Những ngày qua, trên các diễn đàn của cộng đoàn tín hữu Công giáo chúng ta đang bàn tán xung quanh việc một số Cha xứ đã mặc áo dài khăn đóng để dâng lễ thay vì mặc áo lễ như thường lệ và phần lớn cộng đoàn đều đang đưa ra những câu hỏi liệu việc một số Cha xứ mặc như vậy có đúng hay không và lý do tại sao các Cha lại mặc như vậy.


Về việc này, theo như được biết vào lúc 7g00 sáng ngày mùng 2 tết Tân Sửu 2021, tại Thánh đường giáo xứ Dũng Lạc, Thánh lễ đã được cử hành long trọng do Cha Chánh xứ Antôn Vũ Thanh Lịch và Cha phó xứ Micae Phạm Vũ Giang Đình đồng tế. Cha Antôn Vũ Thanh Lịch là chánh xứ và cũng là Trưởng Ban Truyền Thông giáo phận Buôn Mê Thuột và trong buổi cử hành lễ này Cha Lịch và một số người đã thay thế áo lễ bằng áo dài khăn đóng được. Và ngay lập tức khi được đăng tải trên không gian mạng cộng đoàn tín hữu trên cả nước đã có nhưng dư luận trái chiều. 

Bình luận về vấn đề này, Lm Joseph Hoàng Văn Thương thì cho rằng Những việc làm này không giúp gì cho việc canh tân Phụng vụ hay đáp ứng lòng khao khát Thiên Chúa của chúng ta, nhưng lại làm tổn hại đến tính duy nhất thuộc về nghi chế Rôma, làm chia rẽ trong việc cử hành, gây bấp bênh về mặt giáo lý, sự nghi ngờ gương mù trong Dân Chúa, đồng thời gây nhiều xáo trộn và buồn lòng nhiều tín hữu. 

Đồng thời, đã chỉ dẫn của Giáo Hội liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ như: (1) Phẩm phục riêng cho các linh mục khi cử hành Thánh Lễ hoặc trong các nghi thức liên quan trực tiếp đến Thánh lễ là áo lễ mặc ngoài áo dài trắng và dây các phép trừ khi trù liệu cách khác (Quy chế Sách Lễ Rôma-QCSLRM số 337) (2) Phẩm phục dành cho linh mục nên được làm phép và làm tăng vẻ trang trọng của cử hành phụng vụ(QCSLRM số 335) (3) Linh mục mang dây các phép chung quanh cổ và rủ xuống ngực (QCSLRM số 340) (4) Không được sử dụng những phẩm phục khi chưa được Hội đồng Giám Mục chuẩn nhận và Tòa Thánh châu phê (QCSLRM số 342) (5) Khi có lý do chính đáng, ví dụ số linh mục đồng tế đông, thì trừ vị chủ tế, các vị đồng tế khác có thể bỏ áo lễ mà chỉ dùng áo dài trắng và dây các phép (QCSLRM số 209).

Trái ngược lại có một số người cũng cho rằng, Cha Antôn Vũ Thanh Lịch là thành viên của Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo, dĩ nhiên là phải hoành tráng, khác người, để đưa Công Giáo vào Đồng Hành Cùng Dân Tộc và cũng thể hiện tinh thần yêu nước trong những ngày lễ tết của đất nước. Vậy nên việc các Cha mặc áo dài khăn đóng để dâng lễ thay vì mặc áo lễ cũng không ảnh hưởng đến việc cử hành Thánh lễ.

Thực tế, đối với người Công giáo chúng ta phẩm phục trong phụng vụ thánh (chỉ người giúp lễ và trang phục đoàn dâng lễ vật) những người không có chức thánh thì tùy từng nơi có thể thay thế về cách biểu đạt tùy nơi/ còn về phẩm phục của linh mục chủ tế thì không có được tự do sáng tác ra kiểu khác được, không có tùy hứng như ở ngoài phụng vụ được.

Theo QCSL 342, tại Việt Nam, đang khi còn cần phải nghiên cứu về lễ phục phụng vụ sao cho hợp với truyền thống dân tộc, trong khi cử hành Thánh lễ, không được sử dụng những lễ phục chưa được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận và Toà Thánh châu phê. Vì vậy, trong dịp Tết, các tư tế không nên tự tiện sử dụng các loại áo tụng/ áo dài khăn đống… mà nên mặc phẩm phục được quy định cho những ngày lễ này là màu trắng hoặc mặc lễ phục màu vàng vốn được coi là lễ phục long trọng tại Việt Nam vì là màu vương giả quý phái (QCSL 346g, 390). Và có lẽ về việc này cần thiết sự lên tiếng của những người đứng đầu Giáo hội và những người đứng đầu giáo phận Buôn Mê Thuột để cộng đoàn tín hữu được sáng tỏ.
Vậy theo cộng đoàn tín hữu chúng ta đánh giá như thế nào về vụ việc trên như thế nào?
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: