Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

LƯƠNG TÂM NHÀ BÁO ĐỂ ĐÂU?

Trần Bình

Về một sự việc mới xảy ra gần đây, trong lúc giải quyết một vụ ẩu đả gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh - cán bộ Công an xã Đạo Lý (Lý Nhân, Hà Nam) bất ngờ bị một đối tượng tấn công gây thương tích nặng ngay tại hiện trường. Mặc dù được quần chúng nhân dân nhanh chóng đưa đi cấp cứu, tuy nhiên đến khoảng 15 giờ cùng ngày 10-11, Thượng úy Minh đã qua đời tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lý Nhân, nguyên nhân do bị vỡ lá lách trái gây mất máu cấp dẫn đến tử vong.
Một hành động hy sinh vì nhiệm vụ như vậy, nhưng đọc tiêu đề của một số tờ báo trong nước đưa tin về sự việc, người đọc không khỏi giật mình về cách giật tít của các phóng viên: "Thượng uý công an bị đánh tử vong ở Hà Nam" (Báo Vietnamnet), "Thượng uý công an bị đấm tử vong khi can ngăn vụ xô xát" (Báo Lao động), "Thượng uý công an bị đánh chết khi giải quyết vụ ẩu đả" (Báo Tuổi trẻ), "Can ngăn đánh nhau, Thượng úy công an bị đánh tử vong" (Báo Người lao động)...

Chẳng lẽ hai chữ HY SINH khó viết thế sao hả các nhà báo?

Các anh, chị phóng viên biến sự hi sinh của một con người vì giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân thành một cái chết trong một vụ ẩu đả như kiểu bọn xã hội. Thử hỏi, các anh, chị làm như vậy có đúng với lương tâm nghề nghiệp không?

Thậm chí, có tờ báo còn nhanh nhảu trích tin đến sai cả ngày. Một sự cẩu thả không thể thông cảm được.

Sự hi sinh của người lính cả ở thời chiến lẫn thời bình đều là nỗi đau thương vô hạn, niềm mất mát to lớn không chỉ của gia đình đồng chí ấy mà còn của cả Đảng, Nhà nước, Lực lượng vũ trang và Nhân dân. Sự hi sinh ấy là thiêng liêng, nỗi mất mát, đau thương ấy là to lớn, không cớ gì không thể dùng 1 từ ngữ kính trọng hơn để gọi.

Bất kể ai ngã xuống vì nước, vì dân thì đều nên gọi là “hi sinh”. Đó là sự kính trọng cần thiết đối với với những người đã đổ máu, đã ngã xuống vì sự bình yên của chính chúng ta và cho sự trường tồn của đất nước này!

Trước những mất mát, hy sinh của người lính trong cuộc sống này, nếu có viết hãy viết những điều thật tử tế với đầy đủ sự hiểu biết và kính trọng. Nếu thiếu hiểu biết thì đừng viết, vì viết như vậy là chà đạp lên sự hy sinh, nỗi đau thương mất mát của người lính, chà đạp lên đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: