Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

LỢI DỤNG TÌNH HÌNH BÃO LŨ TẠI MIỀN TRUNG TUNG TIN CHỐNG PHÁ, CHIA RẼ TÌNH ĐOÀN KẾT QUÂN DÂN

Những lúc đất nước gặp thiên tai là lúc tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn của người Việt trở nên mạnh mẽ nhất. Trong lúc những đoàn xe cứu trợ từ cả 2 hướng Bắc - Nam nối đuôi nhau nườm nượp chạy về miền Trung để ứng cứu đồng bào thì vẫn có không ít kẻ lợi dụng thiên tai để tìm mọi cách chống phá, chia rẽ tình đoàn kết quân dân, phủ nhận nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp.

Mới đây, hàng loạt những thông tin thất thiệt, bịa đặt trên mạng xã hội bị cơ quan an ninh tỉnh Quảng Bình phát hiện trong những ngày bão lũ. Chẳng hạn, trường hợp tung tin có hàng trăm người chết, 5 người trong một gia đình tử vong tại Quảng Bình, chủ tài khoản Facebook Trần Nguyễn Trúc Anh đã bị cơ quan chức năng mời lên làm việc và xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng.

Có Facebooker thì dựng nên câu chuyện đầy bi kịch rằng một gia đình 7 người ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, không ai sống sót sau trận sạt lở đất. Khi máy gạt và đội cứu hộ cào lớp đất bùn, người mẹ vẫn đang ôm con với tư thế che chở. Kèm bên dưới bài viết là hình ảnh một phụ nữ đang ôm con dưới lớp bùn đất. Qua kiểm chứng, hóa ra đây là bức tượng tạc lại cảnh thi thể của 2 mẹ con được đội cứu hộ phát hiện sau vụ động đất tại Lương Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc, vào năm 2008.

Trên không gian mạng, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lại tung ra vô số thông tin bịa đặt làm xấu đi hình ảnh của các lực lượng công an, quân đội trong mắt quần chúng nhân dân. Thậm chí, nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, ứng cứu người dân… cũng bị các đối tượng này xúc phạm. Chúng trắng trợn bịa đặt rằng đoàn cán bộ đi công tác vào thủy điện Rào Trăng không phải vì cứu dân mà vì “có cổ phần trong nhà máy thủy điện”. Chúng tung ra luận điệu rằng “cứ mặc định người của quân đội, công an chết thì thành liệt sĩ, còn người dân chết khi lũ lụt, hạn hán thì không ai thương”.

Có thể nói, những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật liên quan đến thiên tai ở miền Trung không những ảnh hưởng đến tâm lý cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm lũ lụt gây hậu quả nặng nề mà còn tạo nguy cơ bất ổn xã hội, rối loạn chính trị. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp xử lý nghiêm minh của các cơ quan chức năng. Chính phủ đã có Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rõ cách xử lý đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội…Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, thông tin mạng lan truyền nhanh, người dân cũng nên cẩn trọng trong quá trình tiếp nhận thông tin và chia sẻ. 

MỌI NGƯỜI NÊN TÌM HIỂU VÀ TIẾP NHẬN THÔNG TIN TỪ CÁC NGUỒN CHÍNH THỐNG./.

-AQ-
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: