Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

CÁI TÂM TRONG SÁNG CỦA NGƯỜI LÀM THIỆN NGUYỆN

Nguyễn Anh

Những ngày gần đây, đồng bào ở các tỉnh miền Trung đã phải trải qua nhiều thiên tai, thảm họa dồn dập. Bão chồng bão, mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất... đã gây nên những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Mất mát, đau thương là không thể đong đếm nhưng trong hoàn cảnh gian khó, bên cạnh sự chăm lo, trợ giúp kịp thời của Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, sự đồng lòng, sẻ chia của người dân cả nước phần nào đã giúp đồng bào miền Trung thêm ấm lòng, vững tâm vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng một số người lợi dụng “chiếc áo” từ thiện nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, thậm chí còn có hành vi tiêu cực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
Thật cảm động khi chứng kiến những đoàn xe chở hàng cứu trợ nối dài, hối hả tiến về miền trung. Trên khắp cả nước, từ công sở, trường học, tổ dân phố, doanh nghiệp, tổ chức xã hội cho đến mạng xã hội... đều xuất hiện lời kêu gọi quyên góp, giúp đỡ đồng bào miền trung. Cùng với người dân cả nước, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng chung tay kêu gọi hỗ trợ, trực tiếp đi cứu trợ. Có nữ ca sĩ đã kêu gọi quyên góp được số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Nữ ca sĩ cũng đã đến tận những nơi là rốn lũ của Huế, Quảng Bình, Quảng Trị,… để chia quà, phát tiền mặt cho các cá nhân, hộ gia đình chịu nhiều thiệt hại từ thiên tai.

Thực tế cho thấy việc người nổi tiếng tham gia các hoạt động từ thiện mang nhiều hiệu ứng tích cực, bởi ảnh hưởng của họ đến công chúng là rất lớn. Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ hồi đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 lan rộng trên nhiều tỉnh, thành phố, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch, đứng lên kêu gọi, quyên góp hàng chục tỷ đồng cùng vật tư y tế thiết thực khác để hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch.

Trên thực tế, việc hỗ trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn luôn là việc làm thường xuyên, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, từ diễn biến gần đây, bên cạnh các cá nhân, đơn vị, tổ chức làm thiện nguyện xuất phát từ mục đích trong sáng, nhân văn, đã và đang xuất hiện một số đối tượng lợi dụng từ thiện để trục lợi, đánh bóng bản thân, làm từ thiện không đúng cách,... nên đã gây ra không ít hệ lụy.

Hệ lụy lớn nhất từ tình trạng này là người nhận cứu trợ phải gánh chịu những tổn thương rất lớn về tinh thần, tâm lý. Một hệ lụy khác là một số trường hợp đã có hành động trục lợi, bớt xén tiền quyên góp hoặc mạo danh, lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng đang làm công tác từ thiện nhằm mục đích mưu lợi cho cá nhân. Thậm chí, việc ca sĩ P.T có phát ngôn chưa đúng mực, đã xúc phạm người nhận cứu trợ tại Quảng Ngãi khi cho rằng họ đã nổi lòng tham, chỉ "canh me" để nhận tiền (10 triệu đồng) mà vứt bỏ các nhu yếu phẩm. Phát ngôn của P.T bị phản đối gay gắt và cô đã phải làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh.

Có thể thấy lâu nay phần lớn việc làm từ thiện của một số tổ chức, cá nhân còn có tính tự phát, mạnh ai nấy làm, nên đôi khi chưa phát huy hết được hiệu quả như mong muốn. Vì thế trong thời gian tới, các hoạt động thiện nguyện cần có sự chấn chỉnh sao cho đúng luật pháp, phù hợp với các quy tắc về văn hóa, đạo đức, có cơ chế giám sát chặt chẽ. Muốn vậy, người làm từ thiện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để rà soát, lập danh sách chính xác về trường hợp đủ tiêu chuẩn nhận cứu trợ, cũng như nội dung cần cứu trợ. Tránh việc làm tự phát, cảm tính, tạo nguy cơ gây mất đoàn kết và có thể thành cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, công kích, xuyên tạc.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: