Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

GIẢI ĐÁP MỘT SỐ CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI "TRUNG QUỐC XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG"


Gần đây, Trung Quốc liên tiếp có nhiều hành vi gây hấn với Việt Nam ở biển Đông, tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, tàu thăm dò của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và mới đây nhất là việc Trung Quốc tuyên bố thành lập Quận Tây Sa và Quận Nam Sa trên hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa của Việt Nam. Có nhiều bạn bình luận bức xúc và đặt 1 số câu hỏi. Trong phạm vi hiểu biết của mình, ad sẽ trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này:

1. Hỏi: Vì sao Việt Nam chỉ "quan ngại" phản đối Trung Quốc từ ngày này qua ngày khác mà không có biện pháp gì khác?
Trả lời: Việc "quan ngại" phản đối thông qua ngoại giao chính là 1 biện pháp, và cho đến thời điểm hiện tại thì đó là biện pháp hữu hiệu nhất. Thông qua tiếng nói của Bộ Ngoại giao thể hiện quan điểm nhất quán của Nhà nước Việt Nam, vừa khẳng định chủ quyền để cộng đồng quốc tế biết, vừa cho thấy Việt Nam không làm ngơ khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và Việt Nam đang hành xử 1 cách chừng mực, hợp pháp, tuân thủ luật pháp quốc tế. Nói ví von đơn giản thế này, nếu trong 1 lớp học, bạn Việt bị bạn Trung bắt nạt, do quá bực tức mà Việt đấm thẳng mặt Trung, hai bên đánh nhau, đập bàn đập ghế, làm hỗn loạn lớp học, thì khi sự việc đến tai Ban giám hiệu, dù Trung là thằng bắt nạt trước, dù Việt là nạn nhân nhưng cả 2 cũng đều sẽ bị kỷ luật vì đã không giải quyết thông qua Nhà trường mà tự giải quyết bằng vũ lực, gây mất trật tự. Như vậy, kể cả khi lý lẽ thuộc về Việt Nam, nhưng những người đứng đầu không chọn cách giải quyết phù hợp thì cũng sẽ bị chỉ trích nếu để xảy ra hậu quả xấu.
2. Hỏi: Vì sao Việt Nam không kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế?
Trả lời: Thực ra, phương án này luôn được cân nhắc đến, nhưng là phương án gần cuối cùng khi các nỗ lực ngoại giao không còn khả năng xử lý. Các tòa trọng tài quốc tế không có cơ quan thi hành án, nên việc thi hành các quyết định của Tòa phần đa đều dựa vào uy tín của các quốc gia, thông thường sẽ có rất ít quốc gia dám đi ngược lại quyết định của Tòa được cộng đồng quốc tế công nhận để hạ uy tín của mình. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc và đối với vấn đề lãnh thổ thì lại khác. Như trường hợp của Philippines, kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan, mặc dù thắng kiện nhưng vẫn chưa đòi được quyền lợi của mình, Trung Quốc ngang ngược bác bỏ quyết định của Tòa và có nhiều động thái hung hăng hơn trên biển đông. Nếu Việt Nam cũng làm tương tự thì kể cả thắng cũng chưa chắc lấy lại phần lãnh thổ bị mất, ngược lại những nỗ lực ngoại giao trước đó đều sẽ đổ sông đổ bể, Trung Quốc sẽ có những đòn đáp trả ảnh hưởng đến rất nhiều phương diện đời sống của người dân.
3. Hỏi: Tại sao không mời Mỹ, Nga, Nhật hoặc các nước Đông Nam Á cùng tham gia vào cuộc chiến chống Trung Quốc trên biển Đông?
Trả lời: Việt Nam không bao giờ cho phép điều này xảy ra trên thực địa. Việt Nam luôn kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chủ quyền của Việt Nam thông qua ngoại giao, Việt Nam trân trọng những động thái ngoại giao nhằm củng cố tiếng nói khẳng định chủ quyền của mình trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam không bao giờ cho phép bất cứ quốc gia nào sử dụng quân đội để can thiệp và giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như đã biết, Việt Nam tuyên bố toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình, các vấn đề liên quan đến 2 quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam. Nếu để các quốc gia khác cùng đưa quân đội vào giải quyết tranh chấp trên biển thì sẽ dẫn đến nguy cơ chủ quyền đối với 2 quần đảo vốn dĩ thuộc Việt Nam trở thành vùng tranh chấp quốc tế, tất cả các quốc gia tham gia đều có quyền lợi, điều này sẽ xâm phạm đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
4. Hỏi: Trung Quốc chiếm giữ các đảo và quần đảo lâu ngày thì có sợ vùng đó trở thành lãnh thổ của Trung Quốc hay không?
Trả lời: KHÔNG BAO GIỜ. Hiện tại, dù nhiều đảo của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ, nhưng với tiếng nói khẳng định chủ quyền của Việt Nam thì không bao giờ Trung Quốc sáp nhập được các đảo trên vào lãnh thổ của mình. Một vài ví dụ trên thế giới có thể chứng minh như Cao nguyên Golan bị Israel đánh chiếm từ Syria năm 1967 và hiện vẫn quản lý trên thực tế, nhưng không được Liên Hiệp Quốc công nhận (Hội đồng Bảo an gọi là "hành động không thể chấp nhận được").
Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 8,835 km vuông miền Bắc Syria từ khi nội chiến đến nay, còn vẽ ra 1 "chính phủ lâm thời" xài tiền Lira của Thổ, dĩ nhiên chẳng nước nào công nhận hết.
Như vậy, chỉ hai từ "quan ngại" của Bộ ngoại giao thôi nhưng sức mạnh như 10 vạn quân, Trung Quốc không thể đơn phương nuốt trôi 2 quần đảo này được.
5. Hỏi: Có thể tiến hành chiến tranh với Trung Quốc để lấy lại các đảo đã mất được không?
Trả lời: Có thể nhưng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Chiến tranh chỉ xảy ra khi các biện pháp ngoại giao không còn tác dụng và khi Trung Quốc đơn phương nổ súng trước, khi ấy phần lý sẽ thuộc về Việt Nam. Như đã biết, Trung Quốc luôn giở trò công kích để Việt Nam nổ súng tấn công trước nhằm tạo cớ để Trung Quốc dẹp dư luận quốc tế trong vấn đề biển đảo. Việt Nam cũng rất tỉnh không bao giờ mắc mưu và luôn giữ vai trò "nạn nhân" trước cộng đồng quốc tế. Nếu Việt Nam nổ súng trước để tiến hành chiến tranh, đồng nghĩa Việt Nam đã thua, Trung Quốc có cớ xâm phạm chủ quyền các đảo mà Việt Nam đang đóng quân, cộng đồng quốc tế cũng khó lòng ủng hộ. Việc hai nước có giao tranh còn tạo điều kiện cho các nước khác đục nước béo cò, như sự việc xảy ra với đảo Ba Bình, bị Đài Loan chiếm giữ khi Việt Nam và Trung Quốc có xung đột. Và khi chiến tranh xảy ra, chắc chắn sẽ có thiệt ai, và dù Việt Nam hay Trung Quốc thì cũng đều sẽ có hy sinh, 45 năm hòa bình mà Việt Nam có là cơ hội quý giá để phát triển kinh tế, hơn ai hết, Việt Nam đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Chiến tranh chỉ xảy ra khi không còn biện pháp nào khác. Như cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng nói: "Nếu chiến tranh xảy ra, sẽ chẳng có ai thắng, ai thua mà tất cả đều thua".
Trên đây là 5 câu hỏi phổ biến nhất trong các bài viết liên quan đến vấn đề Biển Đông mà ad tập hợp được, nếu bạn có thắc mắc gì khác, đừng ngại cmt, ad sẽ sớm trả lời.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: