Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

NGÀY NÀY NĂM XƯA, TIẾNG SÚNG VANG RỀN BIÊN GIỚI

Một lần ngồi với cha tôi, tôi hỏi cha có còn thù hận những kẻ đã bắn gục đồng đội cha không? Cha tôi lắc đầu, nhẹ nhàng rằng con có nghĩ những người lính phía bên kia cũng nói chuyện với con cái họ như mình không?

Cha cầm súng vì mẹ tôi và các con như chúng tôi, vì sinh tồn, vì sự vẹn toàn biên giới. Nhưng cha tôi tin, nhân dân ở đâu, quốc gia nào, dân tộc nào, chế độ nào, cũng khao khát hòa bình và phát triển. Quên thì không bao giờ, nhưng thù hận thì không.

Cha nghĩ cựu binh Trung Quốc cũng như cha thôi. Chính phủ Trung Quốc có thể còn tham vọng lớn, nhưng mong muốn của cha, của con, của người dân Trung Quốc thì như nhau. Và nhân dân mới là người quyết định con ạ! Cha tôi khẳng định vậy.

Những đứa trẻ như tôi lớn lên trong suốt thời kỳ đất nước thay đổi chóng mặt, hòa nhập với thế giới, chữa lành dần các vết sẹo chiến tranh, co gọn các vết thương còn rỉ máu. Đây đó, vẫn còn những phần lãnh thổ nằm trong tay kẻ khác. Đó đây, vẫn những mâu thuẫn có thể thành ngòi nổ chiến tranh. Nhưng hòa bình và phát triển là điều mà tuyệt đại đa số nhân dân hướng đến.

Chúng ta đã có quá nhiều mất mát bởi chiến tranh. Chúng ta đã có đủ khắp các địa danh thấm máu ở Khe Sanh, ở Thạch Hãn, Khu 5, ở Tây Nguyên, ở Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, có đủ ở Campuchia, có đủ Vị Xuyên, đủ những người mãi mãi 18 đôi mươi.

Những người đáng lẽ ra ngồi trong giảng đường, xây những cao ốc, lái những chiếc máy bay hiện đại... thậm chí là nằm dài lười biếng bên bãi biển Nha Trang, Phú Quốc... Máu và nước mắt như thế là quá đủ. Thế giới đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây người ta tự hào vì tri thức, vì sự phát triển, vì độc lập, vì tự do...

Làm sao chúng ta có thể chỉ tự hào mãi vì những vinh quang quá khứ, dù chúng chói lọi như nào, nếu đất nước chúng ta không hòa bình, không giàu mạnh, phồn vinh? Niềm tự hào ấy, thuộc về những người đã nằm xuống, về chú H. và bố tôi, thuộc về những người đã đi xây nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Thế hệ sinh sau cuộc chiến như chúng tôi sẽ không thể mãi mãi “ăn theo” niềm tự hào ấy được. Thế hệ chúng tôi, nếu không cùng nhau đưa được đất nước đến bến bờ hòa bình, giàu có và hùng cường, thì không chỉ có lỗi với người đã nằm xuống, mà còn sẽ bị trách móc bởi hậu thế.

Làm sao chúng ta có thể thu hồi những phần lãnh thổ đã mất, nếu chúng ta nhược tiểu và nghèo nàn? Làm sao chúng ta có thể có hòa bình, nếu chúng ta yếu đuối? Ai sẽ coi trọng chúng ta, nếu chúng ta mãi thất học, nghèo đói, ưa bạo lực?

Đúng, chúng ta vẫn đang mua sắm vũ khí, vẫn đang xây dựng một quân đội hùng cường. Nhưng như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng chia sẻ: “Chúng ta mua vũ khí hiện đại để không bao giờ phải bắn”.

Một quân đội hùng cường nhất, sẽ là quân đội đảm bảo cho quốc gia đủ sức răn đe, ngăn ngừa bước vào một cuộc chiến sinh tồn. Quân đội hùng cường nhất, sẽ là quân đội đảm bảo cho đất nước phát triển phồn vinh, đảm bảo cho nhân dân hạnh phúc...

Tôi, một đứa trẻ sinh ra sau tiếng súng, hoàn toàn tin tưởng chúng tôi có thể giải quyết mọi vấn đề của thế giới một cách hòa bình, và qua hợp tác với nhau. Tôi cũng tin người Trung Quốc, người Mỹ ... và mọi dân tộc khác đều nghĩ vậy.

Mai này, các đứa con tôi sẽ chúng sẽ bắt tay với những người bạn nhỏ bên kia biên giới, để cùng chung những nhịp cầu, để bước vào công viên du lịch chứ không phải yêu nước cực đoan, khiêu khích chĩa nòng súng, giữa những lân bang.

Hoàng Hải Lý
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: