Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

NGUYỄN TRUNG TRỰC VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG PHẠM TỘI

       
Chân dung đối tượng phản động Nguyễn Trung Trực

        I. Tham gia Phong trào Chấn hưng Nước Việt
 
     Nguyễn Trung Trực sinh năm 1974 ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1989, ông Trực cùng một số người thân vượt biển đến tị nạn ở Hong Kong. Từ năm 1990 đến năm 1997, ông đã sống qua 5 trại tị nạn. Ông lấy vợ và học tiếng Anh để làm thông dịch viên cho trại trong khoảng thời gian này. Đến năm 1997, khi bị cưỡng bách hồi hương vì không đủ điều kiện nhập cư, ông và gia đình về Quảng Bình làm nghề chài lưới.

     Năm 2003, Nguyễn Trung Trực tiếp tục sang Malaysia làm công nhân xuất khẩu lao động. Năm 2005, do công ty bị phá sản, ông đến Kurla Lumpur làm lao động tự do. Tại đây, ông không tìm được việc làm, và tham gia Cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở Malaysia. Tháng 9 năm 2009, tại nhà thờ Sauson, ông Trực gặp Vũ Quang Thuận, một thành viên của Phong trào Chấn hưng Nước Việt, được sáng lập bởi Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức. Ông Trực giúp ông Thuận tiếp cận với cộng đồng người Việt xuất khẩu lao động ở Malaysia, để phát triển phong trào biểu tình, bãi công trong cộng đồng này. Không lâu sau cuộc gặp, Vũ Quang Thuận phong cho Nguyễn Trung Trực làm Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á của Phong trào Chấn hưng Nước Việt.

        Trong tháng 2 năm 2010, Thuận in 50 cờ “Việt Nam mới” bằng vải, 500 cờ bằng giấy, và tổ chức 3 cuộc biểu tình trước Đại Sứ quán Việt Nam và Phủ Thủ tướng Malaysia ở Kuala Lumpur để đòi trả tự do cho Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, đồng thời ra các yêu sách về việc thay đổi thể chế.

        Theo luật pháp Malaysia, mọi cuộc biểu tình có trên 5 người tham gia đều phải xin phép chính quyền sở tại. Có lẽ cuộc biểu tình của ông Thuận đã không được chính quyền cho phép, vì vào thời điểm đó, sau vụ Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam của Trần Ngọc Thành gửi Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng về nước, dường như chính quyền Việt Nam đã đề nghị phía Malaysia hợp tác để xử lý những hội đoàn đối lập chuyên tổ chức biểu tình, bãi công. Vì vậy, chính quyền Malaysia trục xuất hai người tham gia cuộc biểu tình của Thuận về Việt Nam. Ngày 12 tháng 4 năm 2010, để đáp trả, Thuận mua 4,5 lít xăng, mang 5 khẩu hiệu phản đối chính quyền Malaysia, rồi đến tự thiêu trước tòa tháp đôi Petronas. Do vụ này, Thuận bị bắt vì tội khủng bố tòa tháp đôi.

         Tuy vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Trực có vẻ không nao núng trước biến cố này. Khi trả lời phỏng vấn đài RFA vào ngày 1 tháng 9 năm 2010, ông Thuận tuyên bố:

      “Tổ chức Chấn hưng nước Việt bây giờ lên đến hàng chục ngàn người tại Việt Nam, và trên thế giới. Tổ chức nhiều người nhưng đại đa số ở Việt Nam. Sau khi tuyên truyền vận động người bên này tham gia tổ chức xong, sau ngấm ngầm đưa về Việt Nam. Những người ở Việt Nam đang hoạt động bí mật, chờ cơ hội.

         Mục đích của tổ chức là thay đổi chế độ cộng sản tại Việt Nam vào năm 2009 và muộn nhất là năm 2010; thế nhưng giữa năm 2009 bị phát hiện và bị bắt nên chưa kịp tuyên bố. Do vận nước chưa đến nên phải trôi nổi ra nước ngoài. Phong trào chọn địa bàn Đông Nam Á, sát hàng rào Việt Nam tiếp tục tranh đấu quyết liệt và hy vọng trong những ngày gần nhất sẽ đạt được chỉ tiêu mà tổ chức đưa ra”.

       “Vận nước” mà ông Trực đề cập đến ở đây có lẽ là những lời tiên tri của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người thành lập các nhóm “Chấn hưng Nước Việt”, cũng là một người rất ham mê các bộ môn bói toán. Bản thân cái tên “Chấn hưng Nước Việt” có liên quan đến nhóm nghiên cứu Chấn của ông Thức, một nhóm có cái tên xuất phát từ một quẻ bói, và phối hợp bói toán với các phân tích kinh tế để dự đoán chuyển biến chính trị ở Việt Nam.

           Trái với sự lạc quan mà ông Trực đã thể hiện, ngày 31 tháng 12 năm 2010, ông và một số thành viên khác của Phong trào Chấn hưng Nước Việt bị phía Malaysia bắt giam vị bị tình nghi liên quan đến vụ đánh bom tháp đôi của Vũ Quang Thuận. Sau đó, tòa chuyển sang truy tố họ vì tội không có giấy tờ. Khi trả lời phỏng vấn vào ngày 8 tháng 3 năm 2012, ông Trực cho biết ông đã phải ra tòa tất cả 13 lần. Ngày 30 tháng 9 năm 2012, Nguyễn Trung Trực trở về Quảng Bình, sau 10 ngành tạm giam sau khi nhập cảnh.

          II. Tham gia Hội Anh em Dân chủ

        Theo tiểu sử mà Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam cung cấp, thì sau khi hồi hương, ông Trực trở lại với nghề đánh cá, và sống một cách rất nghèo khổ. Trong khi đó, theo bài viết trên báo Công an Quảng Bình, thì suốt khoảng thời gian này, ông Trực tiếp tục làm cho các tổ chức chính trị đối lập. Ông giúp các tổ chức này mở các khóa huấn luyện, tuyển mộ online. Đến tháng 8 năm 2015, Trực được Nguyễn Trung Tôn kết nạp vào Hội Anh em Dân chủ (HAEDC), trùng thời điểm hội này đang ở trong giai đoạn hoạt động mạnh nhất, và vừa cho ra mắt kênh Lương Tâm TV.

         Ông Trực thăng tiến trong HAEDC cũng nhanh như ông từng thăng tiến trong Phong trào Chấn hưng Nước Việt. Chỉ bốn tháng sau, khi ông Nguyễn Văn Đài bị bắt vào tháng 12 năm 2015, ông Trực đã trở thành người phát ngôn của HAEDC.

         Sau khi gia nhập, Nguyễn Trung Trực hoạt động một cách tích cực để phát triển lực lượng và mối quan hệ của HAEDC trên địa bàn miền Trung. Tháng 10 năm 2015, Nguyễn Trung Trực, Trần Đức Thạch và Nguyễn Trung Tôn đã họp tại nhà riêng của ông Lê Đình Lượng tại Nghệ An để lên kế hoạch thành lập chi hội Nghệ An của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Sau đó, tại giáo xứ Bột Đà, dưới sự chứng kiến của linh mục Đinh Công Thuận, là người cai quản xứ này, họ đã bầu ra Ban Chấp hành của chi hội. Theo đó, ông Trần Đức Thạch giữ chức Chi Hội trưởng, Đậu Văn Dương giữ chức Chi Hội phó 1, Hồ Văn Oanh giữ chức Chi Hội phó 2, Thái Văn Dung giữ chức Chi Hội phó dự khuyết, Đinh Công Đoàn giữ vai trò chỉ đạo và ủng hộ tinh thần, Lê Đình Lượng làm cố vấn và phụ trách tài chính. Tài chính của chi hội sẽ do ông Nguyễn Trung Tôn cấp cho ông Lê Đình Lượng.

            Tháng 5 năm 2016, ông Nguyễn Trung Trực, lúc đó đã giữ chức Trưởng Ban Điều hành chi hội miền Trung của HAEDC, bắt đầu quen biết bà Trần Thị Xuân thông qua Internet. Chỉ hai tháng sau, sau khi gia nhập HAEDC, bà Xuân đã được bầu làm Phó Ban Điều hành của chi hội. Về sau, khi bị bắt vào năm 2017, bà Xuân khai rằng đã nhận của HAEDC 170 triệu VNĐ để phát triển tổ chức.

            III. Vai trò trong việc tổ chức phong trào biểu tình chống Formosa của dân Công giáo miền Trung
         Là một người Công giáo sống ở giáo xứ Cồn Sẻ, Quảng Bình, Nguyễn Trung Trực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối đảng Việt Tân và HAEDC với thế lực Công giáo ở miền Bắc Trung Bộ Việt Nam. Nhờ sự kết nối này, từ đầu tháng 7 năm 2016 đến tháng 4 năm 2017, ở ba tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An, các thế lực nêu trên đã liên tục đồng tổ chức các cuộc biểu tình lớn của dân Công giáo. Những người tham gia tuyên bố rằng họ biểu tình để đánh đuổi các nhà máy gây ô nhiễm biển, làm cá chết hàng loạt của tập đoàn Formosa. Tuy nhiên, các tình tiết cho thấy các thế lực tổ chức biểu tình có thể đã nhắm đến những mục đích khác.

             Phong trào biểu tình này khởi đầu vào ngày 4 tháng 7 năm 2016, khi 24 tổ chức chính trị đối lập Việt Nam cùng ký vào một bản tuyên bố chung, để lên án thái độ của chính quyền Việt Nam trong vụ Formosa. Không rõ do vô tình hay cố ý, mà sự kiện này diễn ra đúng vào ngày Quốc khánh Mỹ. Nhìn chung, 24 tổ chức đồng ký tên vào bản tuyên bố có thể được chia thành 3 thế lực, dựa trên thành phần nhân sự của các tổ chức này và mối quan hệ qua lại giữa chúng. Đầu tiên là đảng Việt Tân và các tổ chức thân với họ – bao gồm cả HAEDC và hai tổ chức con của hội này, là Hội Cựu Tù nhân Lương tâm và Hội Bầu bí Tương thân. Thứ hai là các nhóm tôn giáo thuộc Hội đồng Liên tôn, bao gồm các tổ chức Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo. Thứ ba là các tổ chức thuộc thế lực của VUSTA và Viện IDS cũ, bao gồm Bauxite Việt Nam, Diễn đàn Xã hội Dân sự Việt Nam và Văn đoàn Độc lập. Trong bộ ba thế lực này, phía tôn giáo cung cấp đám đông cho các cuộc biểu tình, Việt Tân cung cấp một phần tài chính và người sách động, còn các trí thức của Viện IDS khoác cho phong trào biểu tình một vẻ chính đáng.

          Cuối bản tuyên bố chung nêu trên, các tổ chức đồng ký tên đưa ra một lời kêu gọi bao gồm bốn điều: mặc áo có “biểu tượng cá chết” ra đường, biểu tình phản đối, tổ chức các đoàn từ thiện hỗ trợ ngư dân chịu thiệt hại, và tổ chức kiện Formosa.

        Ngày 7 tháng 7 năm 2016, phía Công giáo bắt đầu hưởng ứng lời kêu gọi mà chính họ đã đưa ra. Ở giáo xứ Cồn Sẻ, Quảng Bình (nơi ở của Nguyễn Trung Trực), 3000 người Công giáo đã biểu tình chống Formosa theo lời kêu gọi của linh mục quản xứ, là ông Hoàng Anh Ngợi. Cuộc biểu tình chắc chắn đã được tổ chức bởi chính các cơ sở của Giáo hội, vì cả giáo xứ Cồn Sẻ chỉ có tổng cộng 3640 giáo dân. Mặt khác, ngay sau khi trở về từ cuộc biểu tình, chính ông Ngợi đã trả lời phỏng vấn đài SBTN, một đài hải ngoại có quan hệ mật thiết với đảng Việt Tân. Cuộc phỏng vấn quá kịp thời này không thể diễn ra, trừ phi SBTN có phóng viên nằm sẵn ở địa phương, hoặc đài này và ông Ngợi đã lên kế hoạch phỏng vấn từ trước khi diễn ra sự kiện.

          Một số người dân Công giáo tham gia cuộc biểu tình đã mặc áo có “biểu tượng cá chết”, theo đúng lời kêu gọi của 24 tổ chức chính trị đối lập. Có lẽ trong ba thế lực cùng tổ chức phong trào biểu tình, đảng Việt Tân là thế lực đã thiết kế, in và phát mẫu áo này, vì màu của mẫu áo trùng với màu của biểu tượng đảng Việt Tân, và in, phát áo phông mang các biểu tượng tuyên truyền chính trị là một hoạt động quen thuộc của đảng này.
Dân Công giáo ở xứ Cồn Sẻ mặc áo có “biểu tượng cá chết” trong cuộc biểu tình
 ngày 7 tháng 7 năm 2016

         Vai trò của ông Nguyễn Trung Trực nói riêng và HAEDC nói chung trong cuộc biểu tình ngày 7 tháng 7 năm 2016 là khó có thể phủ nhận. Mai Văn Tám, một thành viên HAEDC thường làm việc chung, và xuất hiện cùng ông Trực trong các sự kiện, là người đầu tiên quay phim cuộc biểu tình này và đăng các clip lên Internet. Ngay sau khi clip được ông Tám đăng tải, nó được phát tán bởi ông Nguyễn Trung Tôn. Thêm vào đó, vào thời điểm ông Trực bị bắt, cả các blog ủng hộ chính quyền lẫn các blog ủng hộ đối lập đều khẳng định rằng chính ông Trực đã có vai trò quan trọng trong việc tổ chức phong trào biểu tình của dân Công giáo chống Formosa. Cụ thể, một bài trên blog Mõ Làng có đoạn:

         “Mặc dù trong bản Thông cáo báo chí không nói rõ hành vi của Nguyễn Trung Trực nhưng có một sự việc không thể không nói ra. Theo đó, Trực đã móc nối, phối hợp với linh mục Công giáo cực đoan xứ Cồn Sẻ tổ chức các cuộc biểu tình, bạo loạn thời gian qua dưới thời 02 linh mục là Hoàng Anh Ngợi (hiện là Quản nhiệm Chuẩn Giáo xứ Vĩnh Luật, Hà Tĩnh) và Linh mục Nguyễn Thanh Tịnh (nguyên Phó Chánh văn phòng Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, hiện là Linh mục Quản xứ Cồn Sẻ).

          Theo nhiều thông tin ghi nhận lại, hiện Linh mục Tịnh đang đi cùng với phái đoàn Giáo phận Vinh do Giám mục Nguyễn Thái Hợp dẫn đầu tại Đài Loan, được cho là để gửi thỉnh nguyện thư xung quanh sự cố Formosa xảy ra tại một số tỉnh miền Trung hơn 1 năm về trước.

         Vị chủ chăn quản xứ Cồn Sẻ này cũng đang đảm nhiệm chức vụ thư ký Ban Hỗ trợ nạn nhân Formosa của Giáo phận Vinh!”

           Trong khi đó, bài trên blog Thanh Niên Công Giáo có đoạn:

         “Ông Nguyễn Trung Trực là một cựu tù nhân lương tâm, là một người hoạt động ôn hòa sát cánh cùng các linh mục trong phong trào đòi công lý cho nạn nhân Formosa”.

          Sau khởi đầu đó, phong trào biểu tình vẫn tiếp tục là đất độc diễn của Giáo hội Công giáo và các tổ chức chính trị đối lập Việt Nam. Những cư dân địa phương chịu ảnh hưởng bởi việc xả thải của Formosa, nếu không phải là dân Công giáo hoặc có liên hệ với các nhóm đối lập, thì không hiện diện trong các hoạt động phản đối. Chẳng hạn, trong cuộc biểu tình ngày 5 tháng 3 năm 2017, những người tổ chức đã mời một số nhân vật quá khích ra khỏi đoàn biểu tình vì phát hiện ra rằng họ không thuộc bất cứ giáo phận nào. Người biểu tình luôn mang theo cờ của Giáo hội, nhưng tuyệt đối không mang quốc kỳ Việt Nam. Giáo hội cũng công khai tổ chức cho các đoàn dân Công giáo từ các tỉnh khác, không chịu ảnh hưởng bởi việc xả thải, đi xe khách đến biểu tình tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, đồng thời lo cơm ăn và chỗ ở cho họ. Ngoài các biểu ngữ liên quan đến vụ xả thải của Formosa, người biểu tình cũng trưng các khẩu hiệu đả kích đảng Cộng sản. Vì vậy, có thể nói rằng khi tổ chức phong trào biểu tình này, ba thế lực chính trị và tôn giáo đối lập đã nêu ở phần trên chỉ muốn mượn vụ Formosa để phát triển lực lượng, uy thế cho riêng mình, và chuẩn bị cho một kịch bản “cách mạng đường phố”.

Ngay từ cuộc biểu tình ngày 7 tháng 7 năm 2016, bạo lực đã bùng phát từ cả phía dân Công giáo lẫn phía chính quyền. Trong khi chính quyền đánh bị thương một số người biểu tình, phía người biểu tình cũng tấn công bằng gậy gộc và gạch đá. Ngày 2 tháng 4 năm 2017, những người biểu tình bịt mặt đã chặn Quốc lộ 1A, dùng gậy tấn công những người đi đường cố tình vượt qua điểm chặn, và thuê trẻ em dùng gạch đá tấn công công an. Khi một xe cấp cứu gặp đoạn chặn này, người nhà bệnh nhân đã phải chắp tay lạy người biểu tình để xe được đi qua. Trong khi đó, khi tuyên truyền về các cuộc biểu tình, phía Giáo hội thường nhấn mạnh rằng người biểu tình đã giữ thái độ ôn hòa. Họ cũng thường gắn các cuộc biểu tình với các buổi cầu nguyện vì hòa bình và công lý.

Ngày 4 tháng 8 năm 2017, Nguyễn Trung Trực bị bắt để điều tra về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ Luật Hình sự. Trước đó không lâu, ngày 30 tháng 7, bốn thành viên khác của HAEDC là Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức cũng bị bắt để truy tố với cùng tội danh.

Sau khi Nguyễn Trung Trực bị bắt, website của HAEDC ngừng đăng tải nội dung mới.

Ngay sau khi ông Trực bị bắt, vào ngày 9 tháng 8 năm 2017, linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, quản xứ Cồn Sẻ, chỉ đạo giáo dân dựng một trạm gác chắn ngang cây cầu độc đạo dẫn vào giáo xứ. Việc các linh mục chỉ đạo dân Công giáo chiếm địa phương, để biến giáo xứ thành các khu tự trị nội bất xuất, ngoại bất nhập không phải là điều lạ ở các tỉnh miền Trung. Chẳng hạn, một tháng trước đó, linh mục Trương Văn Thực, quản xứ Cồn Nâm lân cận, đã đăng lên Facebook đoạn sau:
Tuyên bố trên Facebook của linh mục Trương Văn Thực vào ngày 3 tháng 7 năm 2017

Bằng cách tạo ra các khu tự trị kiểu này, thế lực Công giáo ở miền Trung đã tạo chỗ trú cho nhiều gương mặt đối lập Việt Nam, như ông Nguyễn Trung Trực và các cộng sự trong HAEDC.

Các ông Nguyễn Thanh Tịnh, Hoàng Anh Ngợi và Trương Văn Thực đều đang tham gia đoàn tháp tùng ông Nguyễn Thái Hợp trong “chuyến công tác để giải quyến vấn đề Formosa” tại Đài Loan vào đầu tháng 8 năm 2017, trùng thời điểm ông Trực bị bắt. Có lẽ đây là lý do khiến chính quyền bắt ông Trực vào đầu tháng 8, thay vì từ ngày 30 tháng 7 như bốn người cùng hội với ông.

Trong chuyến đi này, phái đoàn của ông Nguyễn Thái Hợp đã làm việc chung với linh mục Nguyễn Văn Hùng ở Đài Loan, một người bị chính quyền cáo buộc là đảng viên Việt Tân từ năm 2007.
Ảnh chụp chung của phái đoàn Nguyễn Thái Hợp và ông Nguyễn Văn Hùng 
trong chuyến đi Đài Loan


Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: