Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

SÔNG TÔ LỊCH ĐÃ CHẾT NHƯ THẾ NÀO?

Nhân ngày mưa gió, không liên quan nhưng tôi bỗng nghĩ, giờ này chắc bà con bên sông Tô Lịch phải cảm ơn ông trời lắm thay, vì đã cho cơn mưa để giải độc mùi sông ô nhiễm. Dù rằng đây cũng là tạm thời, chỉ mấy hôm nữa thôi, sông Tô Lịch vẫn sẽ trở về đúng bản chất của nó – một con sông đục ngầu thơ mộng, những vỏ chai, rác thải tung tăng bơi lượn và bà con bên sông lại trở về với mùi hương nồng nặc quen thuộc mà người đi qua đường thôi cũng không thể chịu nổi.

Anh chị có thể làm như tôi, lên gúc gồ search từ khóa “Sông Tô Lịch khi xưa” thì hỡi ôi, khoảng 445.000 kết quả trong vòng 0,89 giây sẽ hiện ra trước mắt các anh chị, thật choáng ngợp. Tôi mở xem hình ảnh, nhưng càng choáng ngợp hơn là không thấy hình ảnh sông Tô Lịch khi xưa chỗ nào, vẫn là những hình ảnh quen thuộc đã đi sâu vào tiềm thức của tôi từ khi tôi biết về nó – đục ngầu và ô nhiễm. Phải chăng, sông Tô Lịch mộng mơ thời xưa đã không còn để lại dấu vết gì nữa vì đã quá lâu từ khi Hà Nội thủ đô trở nên lộng lẫy và xa hoa.

Nhìn lại vài năm qua, chưa bao giờ tôi thấy không khí bảo vệ môi trường được đẩy lên cao như vậy. Dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm ngày cuối tuần, tầm này không khó để bắt gặp hình ảnh mấy em sinh viên tình nguyện vớt rác dưới hồ, dưới lòng lề đường,.... Thậm chí dự án thay thế cây xà cừ của Hà Nội đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến. Hay sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Đây hẳn là hiệu quả của việc tuyên truyền ra rả hàng ngày trên TV về vấn nạn môi trường. Quả là đáng mừng.

Anh chị có để ý không, nhất là anh chị ở Hà Nội, những ảnh hưởng môi trường do việc chặt cây, ô nhiễm môi trường biển miền Trung là 2 vấn đề được nhắc đến nhiều nhất, dù nó mới xảy ra và thậm chí khi chưa hiểu rõ tình hình cụ thể như thế nào đã có nhiều anh chị nhảy xổ vào cảm thán, nào là môi trường xuống cấp nghiêm trọng, chọn cá không chọn thép,... buồn cười hơn là thí nghiệm “khoa học” của một nhà báo (tôi xin nhắc lại là một nhà báo) đo nhiệt độ mặt đường bê tông phơi nắng cả ngày và nhiệt độ trong bóng cây để nói về mặt trái của việc chặt cây, tác động đến môi trường sống. Nhưng tuyệt nhiên, số bài viết về sông Tô Lịch, một con sông đã tồn tại qua bao nhiêu mùa lợn ế lại không bằng 1 phần của những vấn đề mới xảy ra gần đây. 
Các anh chị, nhất là các anh chị Hà Nội là những người to mồm bậc nhất trong những sự việc tôi kể trên, các anh chị đổ lỗi cho chính quyền, và chỉ chính quyền mới là nguyên nhân, là bên có lỗi. Trong vụ formosa, Hà Tĩnh, anh chị đổ lỗi cho chính quyền trong việc cho thuê đất giá rẻ để formosa vào xây dựng rồi dẫn đến sự cố ô nhiễm môi trường. Rồi vụ chặt cây, khi được giải thích cây xà cừ không phù hợp với môi trường đô thị, anh chị lại chỉ trích chính quyền ngụy biện, chặt cây bán lấy tiền, thậm chí là ngu dốt trong quy hoạch, trong định hướng phát triển...

Vậy tại sao các anh chị không nghĩ, Hà Tĩnh vài năm gần đây không nằm trong diện các tỉnh phải kêu gọi trung ương hỗ trợ cứu đói, bộ mặt Hà Tĩnh thay đổi rõ rệt từ khi có Formosa. Hay tại sao các anh chị không nghĩ đến những lợi ích của việc quy hoạch lại cây xanh sẽ an toàn hơn cho đô thị, đường xá thông thoáng hơn, thay vì đi xe 30p mới về đến nhà trong cái nắng tắc đường 40 độ, thì anh chị có lẽ chỉ mất nửa thời gian đó dưới cái nắng hơn vài độ, tính ra nắng thêm vài độ nhưng nhanh vẫn hơn. Phỏng ạ?

Lại nói tiếp chuyện sông Tô Lịch, ô nhiễm sông Tô Lịch tại sao ít được nói tới, đơn giản vì chính anh chị, những người đang hô hào vì môi trường kia là thủ phạm chính trong việc giết chết 1 con sông cũng như gián tiếp giết chết môi trường xung quanh anh chị. Ở đây, anh chị không thể nào đổ lỗi cho chính quyền hay do bất kì tổ chức nào khác, nghĩa là không thể ngụy biện được, và khi đó anh chị chỉ còn nước im mồm và chịu đựng. Dù đôi khi trong cái nắng 40 độ của Hà Nội anh chị cũng không dám mở cửa dù chỉ một khe nhỏ.

Và như vậy, thủ đô ngàn năm văn hiến với những con người chỉ thích chỉ trích mà không bao giờ chịu nhận trách nhiệm đã biến một con sông thơ mộng khi xưa trở thành một chủ đề hài hước khi nhắc đến hiện nay.



Quang Minh
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: